TPO - 'Siêu thị' 0 đồng nằm gọn trước 1 tiệm may trên đường Thành Thái (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), rộng chừng hơn chục m2 nhưng có đủ hàng hóa: từ gạo, mì tôm, nước mắm đến rau, củ, trứng... Ai khó thì xếp hàng để nhận, mỗi phần mua sắm sẽ đủ dùng trong 1 tuần, người mua chỉ cần trả phí bằng nụ cười.
Siêu thị 0 đồng nằm trên vỉa hè số 18 Thành Thái (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Khoảng sân nhỏ khoảng mười mấy m2 được rào chắn cẩn thận, bố trí điểm rửa tay sát khuẩn, 3 chiếc bàn nhận thực phẩm cách nhau 1m. Ảnh: Giang Thanh
Ý tưởng về siêu thị 0 đồng được bà Hồ Thị Thanh Huyền (chủ tiệm may) khởi xướng nhằm giúp những người khó vượt qua đại dịch. "Dịch diễn biến phức tạp, toàn thành phố giãn cách xã hội nên những người lao động tự do, người nghèo... thời điểm này rất khó khăn. Thấy vậy, tui mới nghĩ ra ý tưởng này và kêu gọi một số người bạn, một số mạnh thường quân cùng hỗ trợ", bà Huyền cho hay. Ảnh: Giang Thanh
Những người đến Siêu thị 0 đồng sẽ được bố trí xếp hàng giãn cách ở phía bên kia đường. Trước khi tiến vào khu mua sắm thực phẩm, mọi người đều được đo thân nhiệt. hướng dẫn qua về quy trình đi 'siêu thị'. Ảnh: Giang Thanh
Trước khi lấy hàng hóa, mọi người đều phải rửa tay sát khuẩn, bỏ phiếu nhận hàng vào thùng rồi sau đó di chuyển qua các bàn để thực phẩm và tự bỏ thực phẩm vào các túi ni lông rồi ra về. Ảnh: Giang Thanh
Theo bà Huyền, nguồn kinh phí để mua thực phẩm phát miễn phí cho bà con là từ nguồn đóng góp của rất nhiều người. Để đảm bảo quy trình được nhịp nhàng, xuyên suốt, có khoảng 5 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ: từ chuẩn bị thực phẩm, sắp xếp các gian hàng, bàn ghế, giăng dây hàng rào, lấy thực phẩm cho người dân... Ảnh: Giang Thanh
Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ đều được yêu cầu đeo 2 lớp khẩu trang, đeo găng tay cao su và hạn chế tiếp xúc tối đa với người dân đến lấy hàng hóa. Ảnh: Giang Thanh
Để tránh tình trạng lộn xộn, phiếu nhận thực phẩm sẽ được UBND phường phát về cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp người lao động, sinh viên mắc kẹt.... trên địa bàn phường và các vùng lân cận. Phiếu có đóng dấu và ghi ngày tháng đi "siêu thị" rõ ràng. Một số trường hợp hoàn cảnh khó khăn đến nhận, các tình nguyện viên sẽ linh động xử lý khi người đến nhận theo phiếu đã vãn. Ảnh: Giang Thanh
Các loại lương thực, thực phẩm được bố trí gọn gàng theo từng khu để các tình nguyện viên dễ dàng lấy. Mỗi ngày, các tình nguyện viên sẽ tham gia hỗ trợ ở đây từ 5h và đến tận 18h mới kết thúc công việc. Ảnh: Giang Thanh
"Siêu thị" mở cửa vào 2 buổi: sáng - chiều. Kết thúc mỗi buổi, các tình nguyện viên sẽ thu dọn toàn bộ hàng hóa, rổ, rá, bàn ghế... cất đi để trả lại vỉa hè thông thoáng. Thực phẩm được chuyển đến sẽ được 2 tình nguyện viên kiểm tra, vứt bỏ những phần bị hỏng, sau đó mới được xếp vào các giỏ hàng. Ảnh: Giang Thanh
Mỗi người sẽ được nhận 3 rổ thực phẩm, gồm: gạo, mì tôm, trứng gà, rau củ quả các loại, nước mắm, xì dầu, dầu ăn, mì chính.... Thực phẩm đủ dùng trong 1 tuần. Nếu hết, người dân có thể quay lại để nhận thêm. Ảnh: Giang Thanh
"Siêu thị" 0 đồng, trả phí bằng nụ cười. Clip: Giang Thanh