Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trong trường học. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn trường học.
Văn bản quy định, đối với các trường có tổ chức đưa đón trẻ, học sinh cần chỉ đạo về nguyên tắc quy trình đón, nhận trẻ, học sinh từ gia đình (điểm đón) lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao cho gia đình đảm bảo chặt chẽ, rõ trách nhiệm.
Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường có dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh rà soát, xây dựng quy trình, quy định rõ điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng thành viên tham gia nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, học sinh trong suốt quá trình từ khi tiếp nhận, đưa đến trường, đón về và bàn giao cho gia đình.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho biết, sau khi sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe tử vong, phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND quận ban hành văn bản tăng cường công tác an ninh, siết chặt quy trình đưa đón học sinh. Phòng GD&ĐT rà soát trên địa bàn có hơn 20 trường có dịch vụ xe vận chuyển học sinh.
Trước đó, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông có hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa.
Ông Linh cho biết, hiện nay, dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...