SGK Toán THPT sau 2015: Nên giảm một nửa kiến thức hiện hành

Kiến thức sách giáo khoa Toán cấp THPT đang quá nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Kiến thức sách giáo khoa Toán cấp THPT đang quá nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - PGS Văn Như Cương cho rằng SGK Toán cấp THPT nên cắt từ 1/3 đến 1/2 kiến thức so với hiện nay.

Là người dạy Toán, từng biên soạn SGK Toán, PGS Văn Như Cương cho rằng SGK Toán cấp THPT nên cắt từ 1/3 đến 1/2 kiến thức so với hiện nay, vì SGK Toán đang quá nặng, những kiến thức đó không cần thiết đối với phần lớn học sinh không tiếp tục con đường toán học sau THPT. Theo ông, chương trình - SGK mới phải có sự thay đổi để phù hợp tình hình thực tế.

PGS Cương cho biết: Các nước đều chọn một số môn quan trọng gồm quốc ngữ, ngoại ngữ, Toán và Việt Nam cũng thế. Từ xưa, Toán không phải là môn tự nhiên hay môn xã hội, mà Toán là một môn khoa học tổng hợp, tạo tư duy chính xác cho con người. Chúng ta có truyền thống và đội ngũ thầy cô giáo dạy toán khá lâu. Nhưng càng ngày do tình hình học sinh đua nhau đạt được trình độ nào đó thì môn Toán là môn để kiếm điểm và phải học thêm rất nhiều. Nhưng kể cả phần học thêm đó thường không giúp ích gì cho cuộc sống sau này của học sinh. 

Chưa kể các trường chuyên thường dạy những bài toán rất khó, phải dùng mẹo mực mới giải được. Rồi từ chuyên toán cấp THPT lan đến chuyên toán THCS. Rồi thậm chí cả cấp tiểu học, nên môn Toán trở nên rất nặng nề cộng với tình trạng quá tải sách tham khảo nên có những bài rất khó, phụ huynh không giải được. Giáo dục toán học không chỉ là những công thức mà là giáo dục tư duy toán học. Đây mới là vai trò của Toán trong đời sống. Vì phần lớn, mọi người học toán xong, ra cuộc sống có ai cần biết  định lý Pitago, hàm số sin, cos là gì đâu. Nhưng cái đọng lại chính là tư duy toán học.

Bộ GD&ĐT cứ nói đổi mới cách ra đề, tôi thấy các môn khác như môn Ngữ văn đề ra có “mở” nhưng môn Toán thì vẫn như cũ. Đề mẫu của Bộ vừa ban hành, các câu hỏi không có sự liên hệ với thực tế. Vẫn bắt học sinh chứng minh bất đẳng thức nọ kia, vẫn đạo hàm… Tôi nói thật, một kỹ sư hay một nhà toán học, họ cũng không bao giờ gặp những bất đẳng thức đó trong thực tế. Do đó những bài toán đó không để làm gì khi các em đã học đến lớp 12. Chúng ta cần phải sửa đổi.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng SGK nặng như hiện nay?

Tôi cho rằng một phần do chương trình - SGK chỉ là cụ thể hóa của  chương trình. Nhưng tác giả SGK làm nặng thêm, khó thêm. Bởi tâm lý chung của người viết SGK sợ đơn giản quá sẽ bị chê. Vì thế, SGK mỗi môn nặng thêm một chút. Phần nữa do giáo viên. Họ thấy SGK chưa thỏa mãn nên ra thêm bài tập ngoài SGK. Điều này có nguyên nhân từ việc nếu chỉ học trong SGK, học sinh khó đỗ ĐH dù Bộ nói chỉ thi trong SGK. Do có sự vênh nhau giữa lượng kiến thức và thời gian thực hiện.

SGK Toán THPT sau 2015: Nên giảm một nửa kiến thức hiện hành ảnh 1 PGS Văn Như Cương.

Được biết, ông là chủ biên SGK hình học hiện hành của cả 3 lớp 10, 11, 12. Khi bắt tay vào biên soạn, ông có nhận thấy chương trình môn Toán nặng không?

Tôi đã biết chương trình có nặng và tôi đề nghị bỏ bớt nhưng không được. Vì đã ban hành rồi.

Vậy môn Toán trong chương trình - SGK mới sau 2015 cần thay đổi như thế nào, thưa ông?

Vẫn bắt học sinh chứng minh bất đẳng thức nọ kia, vẫn đạo hàm… Tôi nói thật, một kỹ sư hay một nhà toán học, họ  cũng không bao giờ gặp những bất đẳng thức đó trong thực tế. Do đó những bài toán đó không để làm gì khi các em đã học đến lớp 12. Chúng ta cần phải sửa đổi.

PGS Văn Như Cương

Như tôi đã nói ở trên, môn Toán là môn quan trọng, nhưng chỉ nên dạy những gì không cao siêu, mẹo mực, không bắt học sinh nhớ nhiều mà dạy cốt lõi của vấn đề. Tôi nghĩ có thể lược bỏ một số phần không cần thiết. Ở cấp THCS, học sinh  học như hiện nay là đủ. Nhưng ở cấp THPT, cần bỏ phần số phức, số ảo, tích phân, lượng giác, và phải đưa thêm vấn đề xác suất thống kê vì đó là thực tế cuộc sống. Hiện chúng ta đang thiếu những bài toán thực tế, bỏ bớt đi những bài toán vô bổ, mẹo mực.

Về mặt lý thuyết nên bỏ một số phần không cần thiết. Ai có nhu cầu nghiên cứu sâu thì lên ĐH cũng có tích phân, đạo hàm. Ngoài ra, bài tập cũng phải cực kỳ đơn giản. Những bài đánh dấu sao trong SGK hiện hành đã khá nhiều, chưa kể sách tham khảo. Tôi đã qua hiệu sách, chỉ riêng tài liệu tham khảo hình học lớp 7 đã có tới 48 cuốn khác nhau.  Nên tôi nghĩ ở THPT, SGK Toán có thể giảm từ 1/3 đến 1/2  so với chương trình hiện hành.

Đối với phần hình học, hình không gian phải dạy nhưng phải đơn giản hơn. Hình giải tích của hình học không gian không cần thiết lắm. Chỉ nên đưa vào một số nội dung như ứng dụng của phương pháp tọa độ. Nói chung, không riêng toán học mà môn khác cũng thế, cần giảm bớt thời lượng học trên lớp, tăng cường kiến thức thực tế để giáo dục kỹ năng sống, tư duy cho học sinh.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.