SGK mới lớp 2, lớp 6: Cần tập huấn kỹ

SGK lớp 6 có nhiều điểm mới đối với học sinh và giáo viên
SGK lớp 6 có nhiều điểm mới đối với học sinh và giáo viên
TP - Theo các nhà quản lý giáo dục, để thực hiện tốt chương trình, SGK mới lớp 2, lớp 6 trong năm học tới, không bỡ ngỡ như với SGK lớp 1 năm nay, giáo viên cần được tập huấn kỹ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm SGK để các trường dạy thực nghiệm.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết, để chuẩn bị cho năm tới thực hiện đổi mới SGK lớp 6, từ năm ngoái, trường đã lập danh sách phân công giáo viên để có kế hoạch tập huấn, nghiên cứu chương trình mới. Thời điểm này, giáo viên cốt cán đang tham gia tập huấn, nhưng số lượng không nhiều.

Để tất cả giáo viên từ từ tiếp cận chương trình mới, hiểu sâu về phương pháp dạy học mới, trường và Phòng GD&ĐT phải tổ chức những buổi tập huấn, chuyên đề. Theo ông Hà, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về đội ngũ và cơ sở vật chất, tránh bị động. Ông cho rằng, trường học ở vùng thuận lợi sẽ có cách tiếp cận chủ động, thuận lợi hơn vùng khó, nhưng Bộ GD&ĐT đã cung cấp đủ tài liệu, video bài dạy chi tiết để giáo viên nghiên cứu.

Theo ông Hà, năm đầu tiên đổi mới chương trình, SGK ở bậc THCS có nhiều điểm mới từ dạy học tích hợp liên môn, thêm hoạt động giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm…, nên các trường sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thay đổi quan điểm giáo dục, phương pháp dạy học từ đội ngũ. Do đó, cần phải được tập huấn kỹ từ Bộ, Sở, trong khi giáo viên cũng phải nỗ lực học hỏi.

Cần có SGK mới để dạy mẫu

Bà Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quảng Ninh), cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ tập huấn giáo viên và SGK mới. Chỉ khi có SGK, giáo viên có phương tiện để dạy thử, góp ý bổ sung cho nhau để khi vào dạy chính thức không còn băn khoăn, vướng mắc.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội), cho biết, quy trình tập huấn của Bộ GD&ĐT hiện nay là vừa tập huấn đội ngũ cốt cán vừa tập huấn đại trà. Trong đó, lực lượng cốt cán được chuyên gia Bộ GD&ĐT tập huấn trực tiếp, sau đó đội ngũ này sẽ về “dạy” lại giáo viên của địa phương. Còn tập huấn đại trà vẫn áp dụng hình thức trực tuyến là chủ yếu.

“Tuy nhiên, lo ngại việc tập huấn qua mạng có thể không đạt hiệu quả như mong muốn, từ năm ngoái, năm đầu thực hiện chương trình, SGK mới từ lớp 1, Hà Nội đã chủ động mời chuyên gia về từng quận, huyện, thậm chí từng trường để trao đổi, giải đáp thắc mắc của giáo viên. Việc này đặc biệt có hiệu quả sau khi có SGK mới”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, đổi mới SGK lớp 6 có nhiều điểm mới, nên nếu được đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên sâu, giáo viên sẽ dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do số lượng giáo viên đông, Bộ GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở mức độ tập huấn, chưa có các khóa đào tạo lại. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực tự học hỏi, tự bồi dưỡng, trao đổi với đồng nghiệp để nắm rõ môn học mình phụ trách.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, ông Đinh Quý Nhân, cho biết, giáo viên được chọn dạy lớp 2, lớp 6 đang được tập huấn chương trình mới. Sau khi hiểu về chương trình, phương pháp mới, điều quan trọng đối với giáo viên đứng lớp chính là dạy thực nghiệm, dạy thử, từ đó rút kinh nghiệm. Muốn làm được như vậy, phải chờ có SGK mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ đang tập huấn đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho chương trình, SGK lớp 2, lớp 6. Riêng SGK vẫn đang được Hội đồng thẩm định và dự kiến được ban hành sớm hơn so với năm trước, đảm bảo đủ thời gian để giáo viên nghiên cứu cũng như bồi dưỡng đội ngũ sử dụng sách. 

MỚI - NÓNG