Đổi mới SGK, sao không thí điểm trước khi làm đại trà?

Học sinh học SGK mới, môn Tiếng Việt 1 năm học 2020-2021.
Học sinh học SGK mới, môn Tiếng Việt 1 năm học 2020-2021.
TPO - Năm học 2020-2021 chương trình, SGK mới sẽ bắt đầu từ lớp 2, lớp 6; năm 2022-2023 sẽ bắt đầu từ lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Các nhà trường cho rằng, SGK chuẩn bị sớm và được dạy học thí điểm rồi mới triển khai đại trà sẽ tránh cập rập, sai sót.

Đổi mới chương trình, SGK ở bậc THCS, học sinh sẽ học 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong đó, thay đổi lớn nhất của bậc THCS là các môn học sẽ được tích hợp lẫn nhau. Đòi hỏi, giáo viên môn này sẽ phải dạy học được mảng kiến thức tích hợp liên môn.

Ở bậc THPT, học sinh sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc; 2 môn tự chọn. Trong đó, có 5 môn học học sinh được lựa chọn từ 3 nhóm môn học gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu trưởng, các nhà quản lý vẫn “kêu” còn nhiều khó khăn phía trước, nhất là thời điểm này đã sắp hết học kỳ I năm học nhưng chưa có SGK, đội ngũ tập huấn gấp gáp, vừa tập huấn vừa đứng lớp xáo trộn rất nhiều trong các nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, hiện nay, điều khó khăn, vướng mắc hiện nay là tập huấn giáo viên thời điểm này khá gấp gáp, vì họ còn phải dạy học vừa đi tập huấn gây nên sự xáo trộn. Đội ngũ hiện vẫn còn một số môn thiếu giáo viên. Chưa kể, khi áp dụng SGK mới, giáo viên phải dạy tích hợp liên môn, dù Bộ sẽ có hướng dẫn trong quá trình dạy sẽ lồng ghép chủ đề nhưng giáo viên đang quen dạy 1 môn, để tiếp cận được ngay phương pháp,mảng kiến thức tích hợp mới sẽ rất khó.

Nên thí điểm trước khi dạy đại trà?

Thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho rằng, nhà trường đã bắt đầu chuẩn bị từ đội ngũ. Tuy nhiên, thực tế đang còn khó khăn cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất. Theo ông Dỵ, trước khi áp dụng SGK mới ở lớp nào, Bộ GD&ĐT nên có dạy học thí điểm và giám sát chặt chẽ kết quả 1 tháng, 3 tháng sau đó mới nên triển khai đại trà.

Trường THPT Quảng Xương 1, địa điểm ngay ở TP Thanh Hóa đến nay cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị phục vụ cho cái mới vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt, đội ngũ dù 100% được tập huấn từ thời điểm này nhưng không phải ai cũng tiếp cập được cái mới, nhất là những giáo viên có tuổi, khả năng tiếp thu hạn chế.

Khó khăn lớn của đổi mới lần này còn nằm ở cả phía học sinh. Nếu thực hiện đổi mới theo lộ trình từ lớp 1 đến lớp 2 và lên lớp 12 sẽ là đổi mới theo hệ thống, có logic, lần này đổi mới mỗi năm 1 đến 2 và 3 lớp. Do đó, trong năm học sinh lớp 10 đầu tiên học SGK mới nhưng trước đó từ lớp 1 đến lớp 9 các em vẫn học chương trình hiện hành, sẽ có những cái “vênh”.

Hiệu trưởng một trường THPT khác tại Hà Nội lại lo lắng, khi đổi mới, học sinh được lựa chọn môn học các em sẽ tập trung chọn các môn dễ chọn ngành vào ĐH như: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Ngữ văn… Những môn còn lại có ít học sinh lựa chọn sẽ dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ.

MỚI - NÓNG