Trưởng phòng giáo dục đối thoại với phụ huynh, hiệu trưởng:

Giáo viên vừa trông trẻ vừa bán hàng online kiếm sống?

Đại diện trường học đặt câu hỏi với Trưởng phòng GD&ĐT tại buổi đối thoại.
Đại diện trường học đặt câu hỏi với Trưởng phòng GD&ĐT tại buổi đối thoại.
TPO - Tại Hà Nội, lần đầu tiên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình ông Lê Đức Thuận đã tổ chức buổi “đối thoại” với hiệu trưởng và đại diện cha mẹ học sinh các trường về thu nhập giáo viên, thu chi tài chính.

Giáo viên vừa trông trẻ vừa bán hàng online?

Hiệu trưởng Trường mầm non số 5 nêu trăn trở, bậc học mầm non hiện nay là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất, đặc biệt là nhân sự. Lý do chính là đời sống chưa được cải thiện, mức lương giáo viên không đủ để chi trả cuộc sống hàng ngày, vì thế họ đi làm nhưng nhấp nhổm. Có giáo viên vừa trông trẻ ngủ trưa vừa tranh thủ bán hàng online. Các trường cũng rất khó tuyển giáo viên mầm non. 

Giáo viên vừa trông trẻ vừa bán hàng online kiếm sống? ảnh 1 Trưởng Phòng GD&ĐT Quận Ba Đình cho biết, lần đầu tiên tổ chức buổi "đối thoại" để hiệu trưởng, phụ huynh trao đổi, hỏi đáp thẳng thắn các vấn đề. Ông không ngại các câu hỏi khó, để tháo gỡ vướng  mắc, tâm tư cho các nhà trường.

Theo hiệu trưởng trường này, hiện nay được biết TP Hồ Chí Minh đã có các giải pháp hỗ trợ đời sống, thu hút giáo viên mầm non. Một trong những biện pháp đó là tăng khoản thu từ cha mẹ học sinh về chăm sóc bán trú. Hiện nay, ở Hà Nội khoản thu chăm sóc bán trú hiện thu 150.000đ/ cháu/ tháng.

Tại các nhà trường, sau khi chi phí ăn trưa cho cán bộ công nhân viên, mức thu nhập từ chăm sóc bán trú chỉ còn từ 500.000 đến 1.000.000đ/ người/tháng là quá thấp. Nhân viên nuôi dưỡng cũng chỉ có mức thu nhập trung bình 4.000.0000/ người. Vì vậy, cần có giải pháp, kiến nghị để  giúp đỡ giáo viên mầm non có thêm chế độ, để họ yên tâm công tác, không phải đi làm thêm các việc khác hoặc làm thêm trong giờ.

“Đây là nỗi trăn trở rất lớn đối với cán bộ quản lý của nhà trường. Mặc dù đã có nhiều giải pháp giảm áp lực cho giáo viên  nhưng vấn đề cơm áo gạo tiền là vô cùng cần thiết”, hiệu trưởng này nói.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình nói,  Chính phủ cũng đã nắm bắt được thực trạng đời sống của giáo viên mầm non thấp và đang cố gắng điều chỉnh các văn bản về chế độ, chính sách đối với giáo viên nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm tới đội ngũ giáo viên nuôi daỵ trẻ. Dự kiến khi thực hiện điều chỉnh theo khung tiền lương mới tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018  về chính sách cải cách tiền lương thì sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Việc qui định chuẩn giáo viên (theo Luật GD 2020) phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non hệ CĐSP cũng sẽ cao hơn so với hệ Trung cấp. “Phòng GD&ĐT cũng sẽ có ý kiến đề xuất với UBND quận quan tâm nhiều hơn tới chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, có những cải cách về mức thu, chi bán trú để phần nào nâng cao đời sống cho đội ngũ”, ông Thuận nói. 

Ban đại diện không được xã hội hoá “cào bằng” 

Nhiều ý kiến tập trung cho việc thu chi, kinh phí hoạt động của quỹ Ban phụ huynh trường/ lớp hiện nay có bất cập. Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình nói rằng,  “không có quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”. Chúng tôi nắm được các câu chuyện là có Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường nêu ra một mức thu nhưng lại yêu cầu thu cào bằng tất cả phụ huynh như nhau trong khi mức thu nhập và điều kiện của các phụ huynh các con trong lớp lại khác nhau.

Với nguồn thu này, có gia đình đóng 300.000 đồng  hay 500.000 nghìn đồng là bình thường nhưng cũng có những gia đình khó khăn, họ 50.000 đồng cũng là khó khăn. Vì vậy, trưởng ban đại diện phụ huynh và các hiệu trưởng phải lưu ý để quán triệt không để xảy ra hiện tượng thu xã hội hoá nhưng lại cào bằng. Ông Thuận cho rằng đây cũng là việc giúp các trường tránh gây nên những bất đồng, bức xúc hay đơn từ phản ánh kiến nghị, gây mất đoàn kết nội bộ trong và ngoài nhà trường.

“Phụ huynh nào muốn hỗ trợ cho chính con em mình bao nhiêu tuỳ từng người, trong đó có phụ huynh không đóng cũng không sao, không tham gia cũng không sai quy định. Các Ban phụ huynh không đượcquy định cứng  cần thu 8 triệu và yêu cầu 40 phụ huynh trong lớp mỗi người phải đóng 200 nghìn đồng. Bởi như vậy vô hình bắt buộc phụ huynh hoặc miễn cưỡng phải đồng thuận theo. Như vậy, Ban phụ huynh sẽ chỉ đóng vai trò điều phối chứ không phải là kênh ép buộc”, ông Thuận nói.

Bà Nguyễn Điệp Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu nêu vấn đề: “Hiện nay, Bảo hiểm y tế của học sinh bắt buộc tham gia 100%. Nếu không đạt 100% thì sẽ đánh giá vào thi đua của nhà trường và giáo viên. Vậy việc đánh giá thi đua đối với các nhà trường có thực sự phù hợp không?”.

Về vấn đề nay, ông Thuận nói, luật Bảo hiểm y tế quy định, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.  “Các nhà trường cần cố gắng giải thích và vận động phụ huynh hiểu được giá trị của bảo hiểm y tế, bởi không chỉ cho bản thân con em mình mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Chi phí phải đóng cho BHYT là rất thấp, nhưng ý nghĩa của việc tham gia ngoài là trách nhiệm với bản thân người học còn là mục tiêu lớn về an sinh xã hội của nhà nước”, ông Thuận nói.

MỚI - NÓNG