Thông báo nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu và liên quan tới mọi gia đình nên trong quá trình đổi mới luôn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện cần được trân trọng, nghiên cứu tiếp thu, phản hồi với tinh thần thực sự cầu thị, khoa học.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghịlần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một quá trình, được thực hiện theo một lộ trình khoa học trong đó đổi mới chương trình, SGK là một khâu rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết; Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định rõ ràng, cụ thể (kể cả về trách nhiệm, thẩm quyền) đối với việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng SGK lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng SGK tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD&ĐT phản hồi kịp thời.
Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của SGK mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2 Luật số 43/2019/QH14.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 mới vừa qua, Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.