SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Duy Anh - chủ biên SGK Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, ý nghĩa lâu dài của bộ sách là góp phần đào tạo ra một thế hệ công chúng biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật.

Sách giáo khoa (SGK) Mĩ thuật lớp 10, 11, 12 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là SGK cấp THPT (do PGS. TS Đinh Gia Lê là Tổng Chủ biên) duy nhất đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn trong thẩm định và đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là nội dung giáo dục lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông và có tới 11 cuốn ở mỗi khối lớp, trong đó có 10 cuốn SGK tương ứng với 10 nội dung giáo dục và 1 cuốn Chuyên đề học tập.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Duy Anh, chủ biên SGK Mĩ thuật cấp THPT - xoay quanh bộ sách Mĩ thuật này.

SGK Mĩ thuật 12 cũng như SGK Mĩ thuật 10, 11 đều có tới 11 cuốn. Việc chia nhỏ nội dung mĩ thuật ra nhiều cuốn sách thay vì gộp chung vào một cuốn có lợi ích gì cho người học hay không, thưa ông?

Trước hết, việc biên soạn sách Mĩ thuật được thực hiện theo các tiêu chuẩn, chỉ báo của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT (Thông tư 33) và bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, môn Mĩ thuật thuộc nhóm môn lựa chọn (như môn Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Công nghệ, Tin học…) và có 10 nội dung và 1 chuyên đề học tập. 10 nội dung này bao gồm các chuyên ngành tương đối độc lập như: Hội hoạ, Đồ hoạ tranh in, Kiến trúc, Điêu khắc, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp, Lý luận và lịch sử mĩ thuật, Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh. Nếu học sinh lựa chọn môn Mĩ thuật, học sinh sẽ chọn 4/10 nội dung nêu trên để học.

Việc chia tách từng nội dung thành mỗi cuốn sách riêng biệt vừa giúp người học có nhận biết tổng thể và trực diện về môn học, vừa dễ dàng lựa chọn nội dung phù hợp với năng lực, sở thích, đồng thời tiết kiệm chi phí. Như vậy, nếu gộp tất cả vào một cuốn, về giá thành, người học sẽ phải trả tiền cho cả những nội dung mà họ không lựa chọn để học.

SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng nghệ thuật ảnh 1

Ông Phạm Duy Anh - Chủ biên SGK Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (trái) và ông Vũ Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trong một buổi làm việc, trao đổi về nội dung SGK Mĩ thuật

Trước đây, chương trình giáo dục phổ thông môn Mĩ thuật dừng lại ở học kỳ 1 của lớp 9 và về cơ bản chỉ tiếp cận một lĩnh vực của Mĩ thuật là hội hoạ. Với việc mở rộng nội dung tiếp cận Mĩ thuật như hiện nay, sách Mĩ thuật liệu có đang giống sách chuyên ngành và chủ yếu phục vụ hướng nghiệp?

Do nhiều yếu tố và thời điểm lịch sử, chủ đích hướng đến của môn Mĩ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông trước đây thuộc lĩnh vực Mĩ thuật tạo hình. Phần ứng dụng được lồng ghép vào nội dung Thủ công. Cách xây dựng Chương trình môn Mĩ thuật trước đây phần nào đã khiến có sự hiểu đơn thuần rằng Mĩ thuật là vẽ, nặn...

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự thay đổi lớn về tư duy khi thay đổi cách tiếp cận Mĩ thuật, giúp học sinh nói riêng và xã hội nói chung hiểu biết đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lĩnh vực Mĩ thuật. Thông qua đó, các em sẽ vận dụng được kiến thức mĩ thuật vào cuộc sống ở các mức độ biết, hiểu và vận dụng để thực hành sáng tạo sản phẩm có tính mĩ thuật.

Cũng như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chính vì thế, SGK Mĩ thuật cấp THPT dù có tính định hướng nghề nghiệp rõ ràng, giúp học sinh có thể tự tin lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật thị giác hay lựa chọn trường đại học khối nghệ thuật sau khi tốt nghiệp lớp 12 nhưng không chỉ phục vụ định hướng hướng nghiệp.

Ý nghĩa nhân văn và lâu dài mà bộ sách hướng đến là góp phần đào tạo ra một thế hệ công chúng biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật. Chẳng hạn, học về điêu khắc giúp các em hiểu được vẻ đẹp của khối; học về lý luận và lịch sử mĩ thuật giúp các em hiểu được dòng chảy nghệ thuật từ quá khứ đến hiện đại, từ thế giới đến Việt Nam... Khi các em có đủ vốn kiến thức phổ thông về mĩ thuật thì các em sẽ là những công chúng biết thưởng thức nghệ thuật một cách tích cực.

SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng nghệ thuật ảnh 2
SGK Mĩ thuật 12 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Thiết kế độc lập đảm bảo tính liên thông

Vẫn là câu chuyện chia nhỏ nội dung mĩ thuật thành nhiều cuốn sách, điều này gây trở ngại gì với những học sinh thay đổi nội dung lựa chọn khi chuyển từ lớp 10 lên lớp 11 và 12 hay không, thưa ông? Ví dụ, nếu một học sinh không học thiết kế đồ hoạ hoặc thiết kế thời trang ở lớp 10, 11 thì có thể học được hai nội dung này ở lớp 12 không?

Ưu điểm của bộ sách là các cuốn sách được viết theo dạng module và mỗi nội dung ở một khối lớp tương đối độc lập với nhau. Ví dụ, cùng nội dung thiết kế đồ hoạ, lớp 10 học về thiết kế logo, lớp 11 học về thiết kế bìa sách, lớp 12 học về thiết kế tranh áp phích. Với cách biên soạn này, học sinh không bị ảnh hưởng quá nhiều khi thay đổi lựa chọn nội dung ở mỗi khối lớp.

Bên cạnh đó, mỗi cuốn sách là 1 nội dung, chỉ khoảng 30 trang, tương ứng với 17,5 tiết học. Mỗi nội dung có 2 sản phẩm mĩ thuật tương ứng với 2 bài. Học sinh có thể học được dễ dàng, không áp lực.

Phải biên soạn một khối lượng kiến thức tương đối rộng, thậm chí là đồ sộ về mĩ thuật ở 10 nội dung tương ứng với 10 lĩnh vực khác nhau, đâu là khó khăn mà đội ngũ biên soạn sách gặp phải, thưa ông?

Khó khăn thì rất nhiều. Đầu tiên là phải xây dựng một ma trận tổng thể có tính liên thông với các cấp. Có những nội dung học sinh đã học ở cấp Tiểu học, THCS như Hội họa, Điêu khắc, Đồ họa tranh in hay Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp. Vậy ở cấp THPT phải viết nội dung và tổ chức hoạt động gì cho hấp dẫn.

Đội ngũ làm sách hướng đến một chương trình đào tạo tiệm cận với cuộc sống, đáp ứng phần nào sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như bắt kịp dòng chảy thời đại. Do đó, mảng mĩ thuật ứng dụng được chú trọng khi chúng tôi thực hiện các cuốn sách về thiết kế đồ hoạ, thiết kế mĩ thuật đa phương tiện. Làm sao sau khi học xong, các em có thể vận dụng được vào cuộc sống một cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất, đơn giản như tạo ra một bức ảnh “triệu like", một video clip “triệu view" có tính thẩm mĩ cao trên mạng xã hội. Muốn vậy thì sách phải chú trọng năng lực tự học bởi thời gian học trên lớp rất ngắn. Ở cấp THPT, bên cạnh việc hướng dẫn của giáo viên, học sinh cũng cần phát huy khả năng tự học, tự khai thác, tự thực hành… nên nội dung biên soạn làm sao phải rõ được điều này.

Cùng với đó, khi biên soạn, chúng tôi cân nhắc lựa chọn làm sao để hình ảnh hoá các nội dung, giúp học sinh có được những nội dung mang tính trực quan để gợi ý xác đáng cho hoạt động thực hành thông qua những thao tác và kỹ thuật cơ bản.

Một khó khăn nữa là chưa có cuốn sách giáo khoa mĩ thuật cấp THPT nào trong Chương trình Giáo dục phổ thông trước đây để nhóm tác giả tham khảo. Tìm hiểu ở một số quốc gia trong khu vực, sách giáo khoa mĩ thuật nếu có thì thường có nội dung chung là “nghệ thuật thị giác”, không có cụ thể từng thành phần như thế này.

Chỉ tính riêng phần hình ảnh các tác phẩm mĩ thuật từ kiến trúc, điêu khắc đến hội hoạ, có thể ước tính con số hàng trăm. Bản quyền hình ảnh tác phẩm có phải một rào cản với nhóm biên soạn sách Mĩ thuật 12 hay không thưa ông?

Đây cũng là một thách thức với chúng tôi. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành mua ảnh bản quyền ở trong nước và trên thế giới, với số lượng hàng chục nghìn hình. Ở riêng mảng hội hoạ, hàng trăm tác phẩm mĩ thuật, di sản văn hoá như tượng champa, tượng nhà mồ Tây Nguyên, tranh dân gian Đông Hồ… đã được đưa vào SGK. Để có được những hình ảnh chất lượng, bên cạnh những dữ liệu bản quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhóm biên soạn cũng phải tìm kiếm qua tư liệu của Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam hoặc trực tiếp đến ghi hình.

Mục đích sử dụng hình ảnh trong SGK Mĩ thuật không chỉ là minh hoạ cho phần nội dung mà là cố gắng ghi nhận dòng chảy văn hoá nghệ thuật của Việt Nam, thế giới. Đó cũng là cách tôn vinh và quảng bá văn hoá Việt Nam, trao truyền văn hoá giữa các thế hệ để những giá trị nghệ thuật được giữ gìn, tiếp nối, duy trì và phát triển.

Với ý nghĩa nhân văn và giá trị kiến thức của bộ sách, việc lựa chọn tác giả viết sách hẳn cũng là một câu chuyện không dễ dàng?

Theo chỉ báo của Thông tư 33, đội ngũ tác giả phải có chuyên ngành phù hợp với nội dung sách, không chỉ bằng cấp mà cần có thực tiễn. Do đó, việc tìm kiếm, mời tác giả viết sách sao cho phù hợp cũng mất nhiều thời gian.

Khi xây dựng nội dung Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện ở lớp 10, phần nhiếp ảnh, chúng tôi đã mời thầy Vũ Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được đào tạo về nhiếp ảnh tại Cộng hoà dân chủ Đức và có hàng chục năm công tác tại lĩnh vực này. Tương tự, để biên soạn nội dung về video clip, chúng tôi mời NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người có cả lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực liên quan.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.