Thiếu tiền hay thiếu quan tâm?
Mặc dù một số Sở GD&ĐT cho rằng không có kinh phí để xây dựng bể bơi, dạy bơi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc liên tục có học sinh bị đuối nước là do sự thiếu quan tâm của ngành GD&ĐT và các cơ quan chức năng. Trong tất cả các quy định “cứng” liên quan đến trường học, không có nội dung nào đề cập đến việc các trường phải có bể bơi cũng như việc học sinh bắt buộc phải biết bơi! Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng chỉ là khuyến khích các trường dạy bơi cho học sinh.
PGS. TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết, cách đây 15 năm, chính ông, khi đó còn phụ trách đào tạo đề xuất trường phải xây bể bơi cho sinh viên và phải đưa môn bơi vào giáo dục thể chất. Nhưng “ngó qua, nhìn lại”, ông lại là người xin rút. Lý do tất cả chỉ liên quan đến kinh phí vì tại các trường ĐH, các trường bậc phổ thông, kinh phí hoạt động của trường phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước thì việc có một bể bơi trong khuôn viên trường là điều gần như bất khả thi.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Hảo, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam cho rằng, chính sách xã hội hóa trong đầu tư bể bơi còn nhiều hạn chế. Vốn đầu tư đều trông chờ vào ngân sách nên khó triển khai đại trà. Hiện nhiều loại bể bơi di động có chất lượng, giá cả tương đối phù hợp và nếu có chính sách tốt, sẽ huy động được các nguồn xã hội hóa để đầu tư. “Với vốn đầu tư dưới 200 triệu đồng, chỉ trong 5 - 6 tháng các đơn vị có thể thu hồi vốn. Đây là con đường tự tạo ra cơ sở vật chất trong giai đoạn khó khăn”, ông Hảo đề xuất.
Bộ GD&ĐT yêu cầu xây bể bơi
Ngày 21/4, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. Bộ GD&ĐT thừa nhận, tình trạng học sinh đuối nước xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt, vụ đuối nước nghiêm trọng ở sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) làm 9 học sinh tử vong gây tổn thất lớn cho gia đình, nhà trường và xã hội. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các Sở GD&ĐT quán triệt văn bản chỉ đạo của Bộ đến từng giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; triển khai các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp đồng thời tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh. Tổ chức dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích đuối nước. “Trước mắt là xây dựng cơ chế phối hợp với ngành thể dục, thể thao trong việc sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Các sở kiểm tra, giám sát thường xuyên việc phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em, học sinh đồng thời báo cáo kết quả về bộ mỗi năm 2 đợt”, Bộ GD&ĐT yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, giải pháp trong thời gian tới là, tiếp tục khuyến khích các bậc phụ huynh, nhất là dịp hè dành thêm thời gian đưa con em đến các trung tâm để học bơi. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp, các tổ chức có cơ sở vật chất về việc này tiếp xúc với nhà trường.
Khánh Hòa: Hai nữ sinh chết đuối
Ông Lê Tấn Long, Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây (Cam Lâm, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết, khoảng 15 giờ ngày 20/4, em Đào Thúy Mẫn (lớp 7/4) và em Hoàng Thị Thanh Thanh (lớp 7/7) cùng 5 nữ sinh trường THCS Nguyễn Du rủ nhau đến hồ Tà Rục, xã Cam Phước Tây tổ chức sinh nhật. Khi xuống hồ Tà Rục tắm, nhóm nữ sinh đã bị tụt xuống hố sâu.
Hai thiếu niên người dân tộc Raglai là Cao Lâm và Bo Bo Tý, cùng trú tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chăn bò gần đó đã lao xuống hồ, cứu được 5 nữ sinh. Tuy nhiên, do đuối sức, hai thiếu niên không thể cứu được em Mẫn và em Thanh. Cuối giờ chiều cùng ngày, thi thể hai nữ sinh đã được tìm thấy.
Nguyễn Đình Quân