Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) nói: “Do trường không có hồ bơi nên đối với môn học bơi phải thuê một hồ bơi ở bên ngoài để đưa học sinh đến dạy. Việc dạy học bơi cho các em học sinh cũng phải chuẩn bị khá chu đáo từ việc chọn hồ bơi sao cho đưa đón các em thuận tiện, an toàn trong giảng dạy cho các em”.
Theo ông Triều, cứ hàng năm vào đầu năm học mới, nhà trường sẽ tổ chức một buổi kiểm tra tất cả học sinh về việc có biết đứng nước, biết bơi hay không. Sau đó, trường sẽ sàng lọc, những em chưa biết bơi hoặc mới biết đứng nước thì sẽ được vận động để đăng ký học bơi với phí là 100 nghìn đồng/tháng. Việc học bơi không bắt buộc vì đây cũng chỉ là một trong số các môn học tự chọn trong bộ môn thể dục của nhà trường.
Ông Trần Ái Việt, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cho biết, đối với môn bơi lội nhà trường rất quan tâm, ngay từ học kỳ đầu của năm học mới, nhà trường thông báo đến học sinh là thi môn bơi lội để các em đăng ký học. Riêng các khối lớp 6 và 7 phải thi lấy điểm học kỳ I và II. Khi các em lên lớp 8 - 9 thì nhà trường đặt yêu cầu phải biết ít nhất 2 kiểu bơi. Do đó, các em học sinh bắt buộc phải đăng ký học bơi ngay từ đầu năm học.
Ông Ái cho biết thêm, thuận lợi là nhà trường có hồ bơi nên việc sắp xếp cho các em học bơi có lợi thế hơn so với những trường khác. Hiện, nhiều trường ở địa bàn cũng thường xuyên liên kết để đưa học sinh đến học. Còn ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 cho biết, vừa qua quận 7 thực hiện chương trình kiểm tra phổ cập bơi với gần 10.000 học sinh của 21 trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Kết quả có 4.323 em học sinh được Liên đoàn Thể thao dưới nước TPHCM công nhận đạt chuẩn bơi phổ thông (đứng nước được 15 giây và bơi hết cự ly 25m). “Sắp tới, quận sẽ tiếp tục kiểm tra để đến năm 2018 sẽ hoàn thành chỉ tiêu phổ cập bơi 100% học sinh trên địa bàn”- ông Đông thông tin.