Theo văn bản này, thời gian qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã tích cực phối hợp với sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, dạy bơi cho học sinh tuy nhiên tình trạng học sinh đuối nước vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt, vụ đuối nước nghiêm trọng ở sông Trà Khúc, xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) làm 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà tử vong gây tổn thất lớn cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các Sở GD&ĐT triển khai các việc như: quán triệt văn bản chỉ đạo của Bộ đến từng giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; triển khai các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh trong các trường….
Đặc biệt, văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp đồng thời tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh.
Tổ chức dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích đuối nước cho học sinh; tham mưu địa phương đầu tư xây bể bơi tại trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp; phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước, khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo, nơi thác ghềnh hiểm trở.
Một giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu các sở triển khai là xây dựng cơ chế phối hợp với ngành thể dục, thể thao trong việc khai thác sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn để tổ chức dạy học bơi cho học sinh.
Bộ cũng yêu cầu các Sở kiểm tra, giám sát thường xuyên việc phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em, học sinh đồng thời báo cáo kết quả về bộ mỗi năm 2 đợt cụ thể vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.