Đường sắt Việt Nam: Độc quyền nên trì trệ? Bài 4:

Sẽ tạo sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân

Sẽ tạo sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân
TP - Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc tư nhân tham gia nhiều hay ít vào đường sắt tùy thuộc vào chính sách của Nhà nước có hấp dẫn hay không.

Bên hành lang cuộc họp báo Bộ GTVT quý I/2014, ông Nguyễn Ngọc Đông dẫn lại ý kiến của TS Lương Hoài Nam (trong bài Sẽ có những Cty đường sắt mới - Tiền Phong ngày 1/4) và cho rằng, việc tách các khối vận tải, hạ tầng và điều hành chạy tàu có thể thực hiện được như hàng không đã làm.


Bộ đặt lộ trình tách các khối kinh doanh của đường sắt thế nào?

Năm nay, Bộ cố gắng xây dựng nghị định về việc này và sắp xếp dần các đầu mối. Còn lộ trình việc này rất dài. Năm 2015, sẽ cổ phần hóa phần hóa khối vận tải. Năm 2015, có thể Nhà nước vẫn giữ chi phối; những năm sau có thể giảm đi ở những tuyến hấp dẫn tư nhân.


Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút vốn tư nhân vào đường sắt?

Cái này phải nhìn tất cả các khía cạnh. Trước hết, phải có sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, người ta sẽ bỏ tiền vào. Thứ hai, tư nhân chỉ vào cuộc khi có hiệu quả. Vì thế, trên cơ sở đánh giá nhiều mặt, Nhà nước phải tạo ra môi trường, tạo sân cho họ chơi bằng các hỗ trợ nhất định. Các nước đã làm như vậy và ta không ngoại lệ. Chắc chắn tư nhân sẽ tham gia, tùy thuộc vào các chính sách hấp dẫn đưa ra.


Vì sao 10 năm qua, ngành đường sắt chưa làm được việc đó?

Đường sắt có một lịch sử lâu dài. Từ mô hình tổng cục, liên hiệp đến tổng Cty. Đường sắt có đặc thù là mang tính công ích cao, lợi nhuận thấp. Trừ trường hợp các nước quy hoạch tốt, đầu tư hạ tầng tốt sẽ phục vụ vận tải đường dài khoảng 500-600 km mới có hiệu quả.

Thứ hai, việc tách bạch phải tùy thuộc vào quỹ đạo thị trường để làm sao khi mở ra, tư nhân có thể tham gia được. Ví dụ, tách ra khoảng chục năm trước chưa chắc có ai vào. Như vậy, việc tách ra các khối phải có điều kiện, có thời cơ nhất định.

Dù sao, so với ngành đường sắt, việc xã hội hóa vẫn bị chậm?

Đánh giá chung là chậm một nhịp.

Tới đây, nếu tiếp tục xã hội hóa chậm, Bộ có tính đến việc quy trách nhiệm?

Chúng ta phải nhìn bối cảnh thị trường. Nếu tách mà không có sự tham gia của xã hội càng khó kiểm soát. Làm sao quản lý thống nhất từ trên xuống dưới kể cả hạ tầng, vận tải, xuyên suốt cho việc chạy tàu.


Như Tiền Phong phản ánh, cùng trong một ngày, quan điểm của Bộ và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam báo cáo Chính phủ còn vênh nhau, vì sao?

Làm phải có lộ trình, nhưng quyết tâm của Bộ là rất cao. Có thể, có người nói và làm lúc này chưa hợp lý, nhưng ta làm để họ hiểu, làm cho nó thành hiện thực.

Cảm ơn ông.

Các bản giải trình đều phủ nhận việc hối lộ

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nghi án đưa hối lộ của Cty JTC (Nhật Bản) đã được Thủ tướng hai nước bàn bạc trực tiếp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phụ trách vụ việc. Khi nào có kết quả mới có thể thông báo. Trong khi đó, thanh tra Bộ GTVT cho biết các cá nhân phải giải trình về vụ việc đều phủ nhận việc cầm tiền hối lộ.

Về vụ việc liên quan một số tiếp viên Vietnam Airlines, lãnh đạo tổng Cty này cho biết, đã đình chỉ 5 tiếp viên và phi công. Tuy nhiên, việc có dẫn độ các nhân viên này sang Nhật Bản để phục vụ công tác điều tra hay không sẽ do các cơ quan chức năng quyết định, không thuộc thẩm quyền của Vietnam Airlines.

Bảo An

MỚI - NÓNG