Sẽ sửa quy định kiểm dịch thuỷ sản gây tốn trăm tỷ mỗi năm trong quý 2

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 trong quý 2 năm nay theo hướng không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để xuất khẩu, đang gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) về kết quả xử lý các kiến nghị liên quan đến việc kiểm dịch các loại mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu dùng để chế biến.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý 2 năm nay sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016 theo hướng không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu dùng cho tiêu thụ nội địa nhưng không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thủy sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô…), Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 11 về bảng mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của bộ. Trong đó, bộ này đã đưa sản phẩm thủy sản đã qua chế biến như nhiệt, sấy khô, xông khói, hóa chất, ướp muối, lên men… ra khỏi danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện toàn bộ thủ tục kiểm dịch thủy sản đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia với trên 95% lượng hồ sơ đã thực hiện. Các doanh nghiệp, cá nhân có thể gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công; qua email, fax sau đó gửi bản chính, gửi qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia; mà không bắt buộc phải nộp hồ sơ giấy.

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Quy định kiểm dịch vô lý, doanh nghiệp tốn trăm tỷ mỗi năm” về việc các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu dùng để chế biến xuất khẩu đang bị kiểm tra chuyên ngành theo chế độ “kiểm dịch” thay vì thực hiện “kiểm tra an toàn thực phẩm”.

Theo đó, chỉ riêng tờ khai “kiểm dịch” hàng thuỷ sản của Bộ NN&PTNT đã lớn hơn tổng số tờ khai kiểm tra “an toàn thực phẩm” và “chất lượng” của 13 bộ, ngành cộng lại. Chỉ tính thời gian tối thiểu để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định là 2 ngày/lô, mỗi năm doanh nghiệp phải dành gần 135.000 ngày để làm hồ sơ kiểm dịch, và chỉ riêng việc lưu kho đã tốn hơn 224 tỷ đồng; chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác.

Trong khi sau hơn 10 năm thực hiện, tỷ lệ vi phạm quy định về kiểm dịch của các lô hàng nhập khẩu rất nhỏ (chỉ 0,0012 - 0,0033%). Đến nay, cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đông lạnh sang thủy sản sống ở trong nước.

MỚI - NÓNG