Chiều 24/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Năm qua, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị truờng trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản nước ta.
Xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 |
Đặc biệt, Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào EU. Tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân.
Dẫu vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, mặc dù trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Tổng cục thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất, duy trì tăng trưởng, tốc độc tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 tăng so với 2020, đạt được chỉ tiêu đề ra.
Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn).
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành thuỷ sản đã có sự phục hồi ấn tượng giai đoạn cuối năm |
Trong đó, sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn).
Mặc dù có tăng so với năm 2020, song một số chỉ tiêu về nuôi trồng thủy sản không đạt kế hoạch đề ra (Sản lượng tôm sú đạt 94,5% kế hoạch; tôm thẻ chân trắng đạt 99,2%; cá tra đạt 96,1%).
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỷ USD).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của ngành thủy sản trong năm 2021 khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Tiến, nhờ dự báo chính xác và phản ứng quyết liệt trong cả 3 lĩnh vực sản xuất, lưu thông và phân phối nên ngành thủy sản mới có được kết quả khả quan như năm vừa qua. Cùng đó, năm qua Luật Thủy sản cùng nhiều văn bản, quy định khác liên quan đến ngành đã từng bước đi vào cuộc sống.
"Đây là những con số rất ngoạn mục, đóng góp vào phát triển chung của Bộ NN&PTNT trong năm 2021”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Về kế hoạch năm 2022, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Nhấn mạnh những dấu mốc và nhiệm vụ quan trọng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mục tiêu xây dựng ngành thủy sản có dấu ấn lịch sử. Về nuôi trồng, cần có các biện pháp để đẩy mạnh thêm năng suất bằng cách đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng năm tiếp theo.
Sản lượng sản lượng khai thác năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn) |
Còn với khai thác, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu cần quản lý tốt hạn ngạch, sản lượng khai thác cũng như đảm bảo vấn đề an toàn trên biển hay chuyển đổi nghề cho lao động không đi biển nữa.
"Do đó, cần có tư duy một cách hệ thống và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt thì mới đạt được các mục tiêu đã đưa ra”, Thứ trưởng Tiến nói.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý Tổng cục Thuỷ sản tiếp tục tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Chuẩn bị đón đoàn công tác của EC sang làm việc về các nội dung liên quan đến IUU.
Một số mục tiêu cơ bản năm 2022 của ngành thuỷ sản
- Diện tích nuôi trồng: Cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2021, với tổng diện tích 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha).
- Tổng sản lượng thủy sản: Khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn, bằng 96,4%; sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn, bằng 103%.
- Các sản phẩm quốc gia: Sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn.
- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản: Đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với 2021.