Năm bang dẫn đầu về số ca mắc mới COVID-19 là Maharashtra với 57.640 ca, tiếp theo là Karnataka với 50.112 ca, Kerala với 41.953 ca, Uttar Pradesh với 31.111 ca và Tamil Nadu với 23.310 ca.
Thêm 3.980 ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đến thời điểm hiện tại là 21.077.410 ca, với 230.168 ca tử vong.
Đây là lần thứ hai Ấn Độ ghi nhận mức tăng số ca COVID-19 trong một ngày vượt quá con số 400.000. Trước đó, ngày 1/5, Ấn Độ báo cáo thêm 401.993 ca mắc COVID-19 mới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết trong tuần qua, Ấn Độ chiếm gần một nửa số ca mắc COVID-19 mới và một phần tư số ca tử vong toàn cầu.
Bệnh viện dã chiến trong một ngôi đền ở thủ đô New Delhi. Ảnh: Reuters |
Theo tính toán của các chuyên gia, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ đã đạt đỉnh vào ngày 3-5/5. Tuy nhiên, cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ - ông K. VijayRaghavan cảnh báo rằng ngay cả khi số ca bệnh giảm đi, thì nước này vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng thứ ba.
“Làn sóng thứ ba là không thể tránh khỏi, vì virus vẫn đang lây lan rất nhanh. Nhưng không rõ làn sóng này sẽ ập đến lúc nào. Chúng ta nên chuẩn bị cho những đợt dịch mới”, ông K. VijayRaghavan nói.
Các chuyên gia y tế cho biết số liệu thực tế của Ấn Độ có thể gấp 5 đến 10 lần con số chính thức. Ấn Độ có thêm 10 triệu ca bệnh trong hơn bốn tháng, sau khi mất hơn 10 tháng để đạt mốc 10 triệu ca bệnh đầu tiên.
Sự gia tăng đột biến số ca bệnh xảy ra cùng thời điểm chương trình tiêm chủng vắc xin của Ấn Độ bị chậm lại vì thiếu nguồn cung, mặc dù Ấn Độ là nước sản xuất vắc xin lớn nhất nhì thế giới.
Chính phủ Ấn Độ cho biết năng lực sản xuất thuốc kháng virus remdesivir, được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19, đã tăng gấp ba lần lên 10,3 triệu lọ mỗi tháng, tăng từ 3,8 triệu lọ một tháng trước.
Nhưng số mẫu bệnh xét nghiệm hàng ngày đã giảm mạnh xuống còn 1,5 triệu.
Người đứng đầu cơ quan đường sắt Ấn Độ cho biết hai chuyến tàu "tốc hành oxy" đã đến thủ đô New Delhi hôm thứ Tư. Trên cả nước có hơn 25 chuyến tàu phân phối dưỡng khí. Chính phủ khẳng định nguồn cung vẫn đủ nhưng những khó khăn trong giao thông vận tải đã cản trở việc phân phối. Trong khi đó, các ổ dịch vẫn tiếp tục lan rộng.