Sau sáp nhập, y tế cơ sở hoạt động ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu đoàn giám sát của Quốc hội băn khoăn về số liệu báo cáo của nhiều địa phương khẳng định "bảo đảm chi tối thiểu 30%" cho y tế dự phòng.
Sau sáp nhập, y tế cơ sở hoạt động ra sao? ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát. (Ảnh: QH)

Ngày 14/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành.

“Thử thách” chưa từng có

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, những năm qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng ở Việt Nam có nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Qua đợt dịch COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt “thử thách” chưa từng có, đây là dịp để đánh giá những lợi thế cũng như bất cập.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, mạng lưới y tế cơ sở đã được bao phủ rộng khắp, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sỹ làm việc tại trạm.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh ban đầu. Trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện.

Tuy nhiên, năng lực cung ứng dịch vụ y tế của y tế cơ sở còn hạn chế; nhân lực y tế tại tuyến cơ sở thiếu các chức danh như bác sỹ, y học cổ truyền, dược sỹ trung học.

Sau sáp nhập, y tế cơ sở hoạt động ra sao? ảnh 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Bộ Y tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở; xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí hiệu quả vào phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, Bộ Y tế kiến nghị xây dựng Luật phòng bệnh để giải quyết các khó khăn, bất cập và những khoảng trống trong pháp luật hiện hành…

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, nội dung kiến nghị của Bộ Y tế không giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay. Bởi qua giám sát cho thấy, lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm, vì đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế và thiếu hướng dẫn hoạt động cụ thể.

Báo cáo của nhiều địa phương đều khẳng định bảo đảm chi tối thiểu 30% cho y tế dự phòng. Ông Mai băn khoăn về số liệu này, vì thực tế y tế dự phòng ở nhiều nơi còn rất khó khăn, thiếu thốn. Đại biểu đoàn giám sát đề nghị báo cáo cụ thể tổng số chi, từ đó làm cơ sở xem xét có thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội hay không.

Một số ý kiến của Đoàn giám sát cũng nhận định, vai trò của y tế xã, phường ngày càng tụt lùi, nhất là vai trò khám chữa bệnh. Trong đó có nguyên do chính sách được ban hành chưa thực sự khuyến khích hoạt động khám chữa bệnh ở tuyến xã; việc cung ứng thuốc đến tuyến xã không được bảo đảm.

Đại biểu đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mô hình y tế cơ sở là cánh tay nối dài của tuyến huyện, định kỳ cử bác sỹ tuyến huyện xuống khám bệnh, chữa bệnh, nhưng để làm được điều này cần gỡ cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.

Sau sáp nhập, y tế cơ sở hoạt động ra sao? ảnh 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Sau sáp nhập, hiệu quả ra sao?

Điểm đáng lưu ý khác, trong vòng 10 năm, mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng thay đổi 3 lần nhưng hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cả nước.

Quan tâm đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú cho biết: Hiện vẫn còn 3 tỉnh có mô hình Trung tâm y tế trực thuộc UBND quận, huyện; còn 4 tỉnh Trung tâm Dân số nằm ngoài Trung tâm y tế. Đối với trạm y tế cũng có nhiều mô hình tổ chức và quản lý khác nhau, có nơi sáp nhập trạm y tế với phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện.

Đại biểu băn khoăn liệu chức năng dự phòng sau khi sáp nhập có được thực hiện đầy đủ không. Tương tự, ở nhiều địa phương tiến hành sáp nhập các trung tâm có chức năng dự phòng để thành lập trung tâm CDC cấp tỉnh liệu có thực hiện đồng đều và toàn diện các chức năng khi tiến hành sáp nhập…

Về biên chế, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, biên chế ngành y tế là 209 nghìn người và đến năm 2026 giảm 14,3%, nhưng Thông tư của Bộ Y tế lại nêu định biên tối thiểu với địa bàn loại 1 (5 nghìn dân) có 5 biên chế và tăng lên theo số dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị giao cho địa phương quyền tự chủ trong công tác tổ chức và phân bổ định biên để phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

Sau sáp nhập, y tế cơ sở hoạt động ra sao? ảnh 4

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, sẽ đánh giá toàn diện về hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để đề xuất các giải pháp cho giai đoạn mới. Đây là cách làm tổng quan để giải quyết toàn diện các tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát nhận định, mặc dù mô hình tổ chức đã thay đổi 3 lần trong 10 năm, nhưng đây không chỉ là tồn tại, hạn chế mà là sự đổi mới, tìm tòi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn còn tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu như mong muốn.

Ông Định đề nghị trong báo cáo của Bộ Y tế và các bộ, ngành cần bám sát yêu cầu trong đề cương giám sát, cập nhật số liệu theo từng giai đoạn, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan.

MỚI - NÓNG