Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Phân bổ 2 nghìn tỷ đồng cho 17 tỉnh làm đường liên xã
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế- xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ phân bổ 2,9 nghìn tỷ đồng còn lại. Với CTMTQG giảm nghèo bền vững, phân bổ 2 nghìn tỷ đồng còn lại cho 17 tỉnh đầu tư một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn 22 huyện nghèo; phân bổ 3 nghìn tỷ đồng vốn còn lại của CTMTQG xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung 88,6 triệu USD vốn nước ngoài cho 16 tỉnh đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với các nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 để thực hiện 3 CTMTQG như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời cần đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đảm đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ chi…
Với số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại chưa phân bổ của 3 CTMTQG là 7.942,139 tỷ đồng, Chính phủ đề xuất phân bổ 7.497,732 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 444,407 tỷ đồng.
Về CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đề xuất phân bổ 2.497,732 tỷ đồng, trong đó, 2.138,811 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và 358,921 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường |
Ưu tiên các xã "trắng nông thôn mới"
Qua rà soát, ông Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với phương án đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong quá trình thực hiện các CTMTQG tiếp tục rà soát, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
“Đối với các địa phương, đề nghị tăng cường huy động, lồng ghép, kết hợp với một số quỹ để bổ sung đầu tư các trạm phát sóng vùng lõm để bảo đảm thông tin, nhất là khu vực biên giới, hải đảo, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng, an ninh”, ông Cường nêu.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giải trình dự kiến bố trí 888,816 tỷ đồng cho Bộ GD&ĐT thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường thuộc Bộ (Đại học Tây Bắc, trường Đại học Tây Nguyên): đề nghị làm rõ tính hợp lý, sự cần thiết đầu tư cơ sở vật chất cho các Trường từ Chương trình này, vì hằng năm đã phân bổ vốn NSTW cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của Bộ GD&ĐT.
Biểu quyết tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua theo tờ trình của Chính phủ.