Sầu riêng Việt Nam 'soán ngôi' số 1 tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tăng lên mức 57%, vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 tại thị trường tỷ dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 12,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về mặt hàng cụ thể, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam có 2 nhóm mặt hàng xuất sang nước này vượt hơn 1 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,64 tỷ USD, tăng gần 54%, điện thoại và linh kiện đạt 1,46 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản, như rau quả tiếp tục tăng mạnh. Hết tháng 2, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 501 triệu USD, tăng 57,2% (tương đương tăng thêm hơn 182 triệu USD). Đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, cao su, sắn và sản phẩm sắn…

Sầu riêng Việt Nam 'soán ngôi' số 1 tại Trung Quốc ảnh 1

Xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Đặc biệt, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giúp thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tăng lên mức 57%, vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 tại thị trường này.

Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc liên tục mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau. Hiện, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân gồm: Măng cụt, chanh leo, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, vải, thạch đen, sầu riêng, thanh long, nhãn, khoai lang, tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 4,7 tỷ USD nhập khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện, chi 3,7 tỷ USD nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Các nhóm mặt hàng như điện thoại, linh kiện đạt hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, vải, sắt thép… đều đạt kim ngạch nhập khẩu vượt hơn 1,1 tỷ USD.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, nước ta cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

Kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Riêng năm ngoái, trong bối cảnh thương mại với các nước đều suy giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn trở thành điểm sáng, khi đạt gần 172 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước đó.

Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng số vốn đăng ký của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 27,6 tỷ USD với hơn 4.400 dự án, trở thành quốc gia đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.