Sau phong lá đỏ, Hà Nội sẽ rà soát thay thế loạt cây trong phố

0:00 / 0:00
0:00
Di dời cây phong lá đỏ trong đêm. Ảnh: Duy Phạm
Di dời cây phong lá đỏ trong đêm. Ảnh: Duy Phạm
TPO - Trong 2 đêm 19 và 20/6, hàng cây phong lá đỏ được trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã được di chuyển về vườn ươm ở Yên Sở, quận Hoàng Mai. Tới đây, các tuyến phố cổ, phố cũ cũng sẽ được rà soát để thay thế bằng loại cây phù hợp.

Hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được trồng thử nghiệm cách đây hơn 2 năm. Có tổng số 262 cây phong được nhà tài trợ tặng cho thành phố Hà Nội. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Tuy nhiên, do cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội nên 45 cây đã chết, 217 cây sống, nhưng phát triển kém

Đại diện Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, cây phong lá đỏ sẽ được di chuyển về vườn ươm tại Yên Sở để chăm sóc. Việc di chuyển để tránh thời tiết nắng nóng gay gắt của Hà Nội trong những ngày này. Lãnh đạo Cty chia sẻ thêm, dù cây đang xanh tốt nhưng vì nắng nóng nên phải di chuyển. Nếu hàng cây phong để dưới thời tiết nắng nóng, nhiệt độ quá cao thì sẽ hỏng, rất lãng phí.

Sau phong lá đỏ, Hà Nội sẽ rà soát thay thế loạt cây trong phố ảnh 1

Cây phong lá đỏ được di dời về vườn ươm Yên Sở. Ảnh: Duy Phạm

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần đây cây phong mọc chồi xanh tốt là do trận mưa rào, tuy nhiên sau mưa rào lại nắng nóng kéo dài sẽ làm chết cây từ bên trong nên cần khẩn trương đánh chuyển cây.

Phương án thay thế đã được Sở Xây dựng đưa ra đề xuất là cây bàng lá nhỏ - loại cây nằm trong danh mục cây đô thị, đảm bảo phát triển, sinh trưởng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và cảnh quan. Bàng lá nhỏ có đường kính thân 10 - 15cm; chiều cao vút ngọn 6 - 8m. Bàng lá nhỏ đã được trồng thử nghiệm từ lâu và mang lại cảnh quan đẹp trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Kim Mã... Qua theo dõi, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ổn định. Đặc biệt, giống cây này rất ít sâu bệnh, ít bị gãy đổ khi mưa bão, không tốn công chăm sóc, cắt tỉa.

Không chỉ cây phong ở 2 tuyến phố trên được thay thế, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch gửi UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát thay thế cây xanh mục ruỗng, không phù hợp đô thị trong các khu phố cũ, phố cổ. "Kế hoạch này rà soát chi tiết từng vị trí cây, thực hiện cẩn trọng, thay thế bằng loại cây phù hợp chủng cây đô thị", vị này cho hay.

Nói về việc thay thế cây phong lá đỏ, PGS.TS Đặng Văn Hà (Đại học Lâm nghiệp) cho biết, loại cây này không phù hợp với điều kiện thời tiết Hà Nội, ở các nước không ai mang cây ra trồng thử nghiệm trên đường phố.

GS Nguyễn Lân Hùng thì cho rằng, đây là một bài học cho Hà Nội trong thử nghiệm cây trồng. Những cây phong lá đỏ trồng trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh chưa được trồng thử nghiệm do đó không đánh giá hết được sự phù hợp. Khí hậu của Hà Nội mùa hè quá nóng khiến giống phong này không phát triển được.

MỚI - NÓNG