Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) cuối tuần trước công bố "Hồ sơ Panama", dựa trên hơn 11 triệu tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca (Panama). Trong đó, họ kết luận "các ngân hàng toàn cầu lớn đã hợp tác với nhau, giúp người siêu giàu, chính trị gia và tội phạm che giấu tài sản" thông qua các tài khoản ở nước ngoài và công ty ma.
Hơn 500 ngân hàng, công ty con và chi nhánh của các nhà băng này đã đăng ký gần 15.000 công ty ma với Mossack Fonseca. 6 ngân hàng quốc tế lớn được nêu tên trong báo cáo của ICIJ là HSBC, UBS, Société Générale, Royal Bank of Canada, Commerzbank và Credit Suisse. Tất cả đều chưa có bình luận nào về mối liên hệ với Mossack Fonseca.
1. HSBC
Hôm qua, HSBC thông báo đang hợp tác chặt chẽ với giới chức để chống lại tội phạm tài chính.
"Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng. Các tài khoản nước ngoài chỉ có thể tồn tại nếu lý lịch khách hàng đã được xem xét kỹ, hoặc giới chức yêu cầu duy trì tài khoản đó để giám sát, hoặc tài khoản đó đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt", HSBC cho biết.
Báo cáo của ICIJ khẳng định ngân hàng Anh và các chi nhánh đã đăng ký hơn 2.300 công ty với Mossack Fonseca. Hãng luật này cũng đồng ý cho các khách hàng của HSBC "nhiều đặc quyền".
Đây không phải lần đầu tiên HSBC bị chú ý vì hoạt động tài chính ở nước ngoài. Tháng 2 năm ngoái, giới chức Thụy Sĩ đã đột nhập 2 văn phòng HSBC tại đây, sau khi ngân hàng bị cáo buộc dùng chi nhánh Thụy Sĩ để che giấu số tài khoản hơn 100 tỷ USD.
Trong văn bản trả lời ICIJ về vụ này năm ngoái, nhà băng cũng thừa nhận "sự tuân thủ và các chuẩn mực tại chi nhánh Thụy Sĩ trước đây, cũng như cả ngành ngân hàng nói chung, thấp hơn bây giờ khá nhiều".
2. Credit Suisse
Credit Suisse hôm qua cũng ra thông báo cho biết cam kết "tuân thủ đúng các quy định về thuế và hoạt động ngân hàng quốc tế như nước sở tại yêu cầu". Hãng cũng cho biết thêm: "Với Credit Suisse, điều mấu chốt là khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ vì mục đích hợp pháp".
Trong khi đó, báo cáo của ICIJ khẳng định nhà băng này đã đăng ký 1.105 công ty ma với hãng luật Panama.
Credit Suisse cũng từng dính vào nhiều scandal như thế này. Năm 2014, nhà băng thừa nhận sai phạm khi cho phép một số khách hàng Mỹ né thuế. Khi đó, họ đã phải trả khoản phạt 2,6 tỷ USD cho giới chức tài chính Mỹ.
3. UBS
UBS hôm qua cũng khẳng định họ "kinh doanh đúng luật". ICIJ thì cáo buộc nhà băng này làm việc với Mossack Fonseca cho đến năm 2010 và đã đăng ký 1.100 công ty với hãng luật.
Trong quá khứ, UBS cũng từng gặp rắc rối với hoạt động tài chính quốc tế. Năm 2009, nhà băng thừa nhận giúp khách hàng Mỹ giấu tài sản ở nước ngoài. Khi ấy, họ đã phải đóng phạt 780 triệu USD và nộp lại thông tin các tài khoản này.
4. Société Générale
Société Générale cũng bác bỏ cáo buộc rằng họ giúp che giấu danh tính khách hàng. Nhà băng cho biết họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho giới chức theo các thỏa thuận quốc tế có liên quan.
Bên cạnh đó, họ cho biết đã dừng hoạt động tại các nước bị cơ quan chống rửa tiền quốc tế - FATF cho là không hợp tác, hoặc bị liệt vào danh sách đen, trong đó có Panama.
ICIJ thì tiết lộ đã phát hiện 979 công ty được ngân hàng này đăng ký với Mossack Fonseca.
5. Royal Bank of Canada
Theo báo cáo của ICIJ, RBC và các chi nhánh của nhà băng này đã đăng ký 378 công ty với Mossack Fonseca.
RBC thì khẳng định họ hoạt động theo đúng pháp luật của các nước sở tại. "Trốn thuế là phi pháp. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chính sách, quy trình để phát hiện và ngăn chặn nó xảy ra tại RBC", nhà băng cho biết trong thông báo hôm qua.