Xã Ba Nang, huyện Đa Krông (Quảng Trị) có hơn 3.000 dân, chủ yếu là người Vân Kiều. Đợt mưa bão lịch sử vừa qua, xã bị ảnh hưởng nặng khi nước lũ cuốn theo đất đá lấp đầy ruộng vườn, làm lương thực hư hỏng khiến cuộc sống hết sức khó khăn.
Ngày 23/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chở hàng cứu trợ từ Sơn La lên tiếp tế. Đường vào xã nhiều đoạn chưa khắc phục hết sạt lở, trên các sườn núi là những vạt rừng bị nước xóa sạch, lộ ra bùn lầy và đất đỏ. Đoàn cũng chỉ tiếp cận được một thôn ở điểm đầu của xã, 5 thôn còn lại vẫn chưa thể tiếp cận bằng cơ giới nên người dân phải lội bộ tới nhận gạo, muối và thuốc men.
Bà Hồ Thị Phiên, người trong xã cho biết, nhà có 4 người gồm 2 con nhỏ đang học tiểu học. Trong đợt lũ vừa qua nhà bà bị ngập, lương thực bị hỏng, quần áo cũng mất hết trong khi bà là người tàn tật, mất cả 2 chân nên cuộc sống rất cơ cực.
“Đói lắm, chỉ ăn mỳ tôm của bộ đội cho” - bà Phiên chia sẻ. Ở cùng xã, ông Đa Hời cũng gặp hoàn cảnh tương tự. “Nhà, ruộng ngập, mất hết lúa. Gạo trong nhà cũng trôi hết rồi. Ruộng bị đất đá cuốn vào, phải dọn đi sau mới cấy được” - ông Hời cho biết.
Theo ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang, địa phương có 48 ngôi nhà bị sập do mưa lũ và hầu như tất cả các hộ còn lại đều lâm vào cảnh khó khăn do đất nông nghiệp bị đá sỏi vùi lấp.
“Lúa nước có ít và mới thu hoạch được 70%, còn lại bị nước cuốn. Lúa trên rẫy tháng 11 này được thu hoạch cũng mất hết vì trước đó nắng quá làm cây khô đến giờ lại mưa nhiều, đất thịt trôi đi hết. Có gia đình tích lũy 5 năm mới được 30 triệu để thuê máy xúc đào hồ cá nhưng giờ bị bùn, đá vùi lấp hết. Không biết bao giờ họ có thể sản xuất lại”, ông Thắng nói.
Nói chuyện với phóng viên vài phút, ông Thắng 5-7 lần nhắc câu “sau lụt dân sẽ rất đói” cùng tiếng thở dài. “Trên này nếu không có hỗ trợ của Nhà nước và các đoàn từ thiện sẽ rất vất vả bởi người dân làm đủ ăn cũng khó chứ chưa nói đến làm giàu. Giờ cái gì họ cũng cần, cũng quý từ lọ dầu gió, gói muối tới thóc gạo. Hiện tại, các đoàn từ thiện hỗ trợ nên trong 1 - 2 tháng tới đủ ăn nhưng sau đó, thực sự dân ở đây sẽ đói” - ông Thắng nói.
Mong được hỗ trợ sản xuất
“Mọi người giúp đỡ, chúng tôi biết ơn lắm! Mì tôm và gạo giờ cũng có rồi, giờ lo sau này làm ăn sao? Ước chi ai cho ít tôm, cá hay lúa giống để làm ăn rồi cóp tiền làm lại căn nhà cho kiên cố thì hạnh phúc biết mấy”, ông Trương Quang Vân người xóm Soi (xã Gio Mai, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nói.
Đến nay, lũ đã rút được 3 ngày nhưng con đường vào xóm Soi nằm bên sông Hiếu vẫn khiến người dân phải lắc đầu ngao ngán vì lớp bùn đặc quánh và mùi hơi đất bị ngâm lâu ngày trong nước.
Nói về lí do không di tản sang bên kia sông khi nước lũ còn ở mức bình thường, ông Trương Quang Vân ngậm ngùi: “Nhà tôi chỉ di tản vợ tôi là Trương Thị Vệ bị ung thư tuyến giáp, phải sang ở nhờ nhà người quen chứ bệnh tật ngâm mình trong lũ tội lắm. Tôi và con trai phải ở lại, lo giữ đồ đạc vì cái nhà xây tạm này mà bung thì sau lũ chẳng còn gì. Nói vậy thôi, chứ lũ cũng mang đi cả rồi, bao nhiêu, tôm, cá trong đầm mất hết. Thóc giờ đã lên mạ, tường nhà bong tróc khắp nơi. Xã cũng nhiều lần gọi đi lấy đồ cứu trợ nhưng bên ni sóng kém, bữa ai gọi điện nếu nghe được mới biết mà đi, bữa mất sóng đành chấp nhận. Cũng có hôm đoàn từ thiện gọi sang chân cầu lấy quà vì đường xóm ni lầy quá”.