Sau khi một nhóm sinh viên Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) “tố” bị một nam giảng viên tại Khoa Luật nhắn tin "nhạy cảm" và có biểu hiện trù dập điểm thi, Khoa Luật đã công bố kết luận chính thức về sự việc.
Cụ thể, kết luận số 1068/KL – XMTT do ông Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật ký.
Sau khi có kết luận kể trên, PV Tiền Phong đã trao đổi với những bên có liên quan đến vụ việc.
Kết luận không khách quan?
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hùng Cường cho rằng, kết luận số 1068 mà Chủ nhiệm Khoa Luật đưa ra dựa trên căn cứ là “Báo cáo kết quả xác minh của Tổ công tác ngày 19/8/2018” là bất hợp pháp.
Cũng theo TS Nguyễn Hùng Cường, nội dung của kết luận này thể hiện sự không khách quan, một chiều, không minh bạch, phiến diện trong đánh giá bằng chứng, chứng cứ, thể hiện sự trù dập nghiêm trọng đối với cán bộ, vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong quá trình xác minh.
TS Cường chỉ ra: Thứ nhất, mặc dù mục đích của kết luận này là “xác minh thông tin phản ánh về mối quan hệ giữa giảng viên và người học” nhưng toàn bộ nội dung của kết luận này chỉ nhằm đưa ra kết luận về giảng viên mà không đưa ra bất kỳ kết luận nào đối với những sinh viên đã vi phạm đạo đức và pháp luật.
Chẳng hạn, nội dung 1.1 kết luận “chưa đủ cơ sở để cho rằng GV Nguyễn Hùng Cường (NHC) đã quan hệ với nữ sinh Khoa Luật và làm sinh viên này mang thai, hay đe dọa, gạ tình với các nữ sinh trong Khoa như nội dung thông tin phản ánh trên các trang mạng xã hội”; nội dung 2.1 kết luận “chưa có đủ bằng chứng để khẳng định có sự vi phạm của GV NHC trong việc chấm, đánh giá kiểm tra đối với SV. Hoàng Thị Thu Uyên”.
“Tuy nhiên, Khoa Luật không đưa ra bất kỳ kết luận nào đối với những đối tượng đã bịa đặt, vu khống tôi về những nội dung này, trong đó có hành vi của sinh viên Hoàng Thị Thu Uyên, mặc dù tôi đã đề nghị nhiều lần trong các đơn tố cáo gửi Khoa Luật (được Khoa Luật nhận lần lượt vào các ngày 11/6 và ngày 13/6) và trong các Biên bản làm việc lần 1 (ngày 29/6) và lần 4 (ngày 17/8/2018) với Tổ Công tác”- TS Cường nhấn mạnh.
Thứ hai, theo TS Cường, việc “xác minh” là việc “làm cho rõ sự thật qua thực tế và chứng cứ cụ thể” ; là việc “tìm hiểu, thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ từ những sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế cuộc sống bằng những cách khác nhau để làm sáng tỏ sự thật về một vấn đề nào đó” .
Tuy nhiên, kết luận này được đưa ra không được dựa trên các bằng chứng đầy đủ, xác thực, khách quan từ cả hai phía (chẳng hạn, Kết quả lấy ý kiến phản hồi của lớp đối với giảng viên, không có Biên bản vi phạm của giảng viên) mà hoàn toàn dựa trên những bằng chứng không khách quan, phiến diện và không đầy đủ từ một phía (tin nhắn có dấu hiệu cắt xén và chưa được khẳng định từ phía giảng viên, lời chứng của một vài sinh viên, không tiến hành đối chất khi chứng cứ có dấu hiệu giả mạo hoặc mâu thuẫn).
“Do vậy, việc dựa trên các bằng chứng thiếu đầy đủ, có dấu hiệu sai lệnh, để đưa ra các kết luận là hành vi thể hiện sự quy chụp, suy diễn, có tính vu khống, trù dập, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” trong hoạt động thanh tra và xác minh”- TS Cường nói.
“Phản biện” lại kết luận 1068 của Khoa Luật, TS Cường cho rằng, kết luận này chỉ dựa trên các “thông tin phản ánh” của một vài sinh viên để đánh giá về tư cách, đạo đức, phẩm chất của tôi mà không dựa trên những thông tin phản ánh khách quan của tất cả sinh viên trong các lớp tôi dạy.
Theo Kết quả lấy ý kiến phản hồi của sinh viên do Trung Tâm Khảo thí & Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Khoa Luật thực hiện theo một quy trình bảo mật, mức độ đồng ý của sinh viên về chất lượng, phương pháp, tư cách và thái độ làm việc của tôi khi giảng dạy trong tất cả các năm công tác luôn ở mức từ 68-85% và trong ba kỳ học gần đây nhất lần lượt là 78,98%, 74,04%, và 83,88%.
“Việc Khoa Luật lờ đi những bằng chứng khách quan này mặc dù đã được tôi đề nghị (xem Biên bản làm việc lần 4) đã thể hiện rõ tính không khách quan, phiến diện, mang tính trù dập của kết luận này”- TS Cường chỉ ra.
Thứ tư, mặc dù là một kết luận về việc “xác minh” những hành vi của người học và giảng viên, và vì thế cần phải đưa ra những khẳng định, kết luận minh bạch và rõ ràng về việc có hay không, đúng hay sai, vi phạm hay không vi phạm, kết luận này lại sử dụng những câu chữ, ngôn từ mang tính chất mơ hồ, lập lờ, không rõ ràng như “chưa đủ cơ sở”, “không có đủ bằng chứng”.
“Đây là sự chưa chuẩn của việc sử dụng từ ngữ trong soạn thảo văn bản hay là sự vòng vo, che giấu, không dám thẳng thắn thừa nhận những vu cáo đối với tôi là không có cơ sở, không có bằng chứng xác thực, mang tính bịa đặt, vu khống, sai sự thật? Do đó, kết luận này không thể xem là một kết luận có tính minh bạch và xác thực”- TS Cường nhấn mạnh.
Khoa Luật: Đề xuất biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh
Cũng liên quan đến vụ việc này, PV Tiền Phong đã liên hệ với lãnh đạo Khoa Luật để tìm hiểu về việc xử lý GV Nguyễn Hùng Cường sau khi có kết luận.
“Kết luận là kết quả của tổ công tác xác minh thông tin. Còn hình thức xử lý sẽ phải làm tiếp theo quy định sau kết quả này”- Lãnh đạo khoa Luật nói.
Theo lãnh đạo Khoa Luật xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến danh dự uy tín của khoa. Ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, tư tưởng, tâm tư tình cảm của cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên của khoa.
“Đối với các nội dung thông tin đã được xác minh, ban chủ nhiệm khoa giao Bộ phận tổ chức- cán bộ của đơn vị đề xuất biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh và đúng theo quy định của pháp luật hiện hành”- lãnh đạo khoa Luật thông tin.