Cuối tuần qua, trở lại khu vực xung quanh Cty Rạng Đông, chúng tôi nhận thấy thưa vắng hẳn người qua lại. Từ đầu phố Hạ Đình, nhiều ngôi nhà khóa cửa, nhiều cửa hàng ngừng hoạt động vì không còn khách. Có mặt tại đây vào chiều tối - lúc cao điểm, đông đúc nhất, không còn cảnh con ngõ ken đặc xe, tắc đường như thường thấy mà thay vào đó khu phố vắng lặng, cửa im ỉm khóa, nhà treo biển bán.
Làn sóng sang nhượng cửa hàng
Đi vào ngõ 85 Hạ Đình (phía Đông nhà máy), thấy phóng viên ngó nghiêng bên cửa hàng khóa trái treo biển chuyển đi, bà chủ cửa hàng tạp hóa cạnh đó chạy ra nói: “Họ chuyển về Định Công mấy hôm rồi, có thuê nhà không tôi gọi chủ nhà cho, rẻ lắm”. Người này cho biết, dù thuê tầng 1 với giá 6 triệu đồng/tháng, không quá cao với mặt bằng chung của khu vực này nhưng chủ cửa hiệu vẫn quyết tâm chuyển đi vì lo ngại sức khỏe.
Cạnh đó, chủ quán phở, đồ ăn nhanh tranh thủ mở cửa, quét dọn sau hơn tuần đóng cửa. Bà chủ cho biết, trước đây mỗi ngày doanh thu cả triệu bạc nhưng sau vụ cháy, thấy nhiều người di tản, đi thuê nơi khác. Gia đình bà cũng chuyển về Tân Triều (Thanh Trì) để ở, chờ thông báo chính thức.
Phía sau khu vực kho bị cháy của Cty là tổ dân phố 10, 11 khu dân cư số 5 (phường Hạ Đình). Sau vụ cháy, bụi vẫn luẩn quẩn, mùi hóa chất nồng bốc lên theo chiều gió. Hôm nay, bà chủ quán cháo lòng tiết canh vẫn mở cửa nhưng hàng ế vì không có người ăn. “Trước khi cháy, sáng ra khách đông không có chỗ ngồi, bàn ghế bày la liệt ra ngõ, hàng chục người phục vụ không xuể. Hôm nay mở hàng nhưng không có người ăn”, bà chủ vừa xếp đồ vừa nói.
Khóa cửa, rao bán nhà
Cũng tại khu vực tổ dân phố 10, 11 nhiều dãy nhà khóa trái cửa, một số trưng biển bán, số khác thông báo chuyển đi, lác đác một vài nhà có người dọn dẹp.
Bà Chu Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 24, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) dẫn chúng tôi về khu đô thị 54 Hạ Đình. Khu dân cư này nằm sát tường rào nhà kho bị cháy, giờ chỉ thấp thoáng vài người đeo khẩu trang. Mấy hôm nay, bà Cảnh và các đoàn thể đi vận động người dân đóng kín cửa nhà, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang. Chỉ tay về dãy nhà liền kề cạnh đó bà Cảnh cho biết: Cả dãy có 31 hộ đều sơ tán đi nơi khác, một số nhà còn người già ở lại trông đồ đạc, dọn dẹp như nhà bà, số nhà khác thỉnh thoảng có người về dọn vào buổi tối.
Vợ chồng bà Cảnh ở với người con trai và hai cháu nội. Sau vụ cháy, hai vợ chồng người con chuyển về cửa hàng ở Giáp Bát (cách hiện trường vụ cháy 10 km); chồng bà và đứa cháu sang ở nhờ nhà con gái bên Gia Lâm, hàng ngày đưa đón cháu học ở trường Tiểu học Hạ Đình. “Tôi ở lại trông nhà, tiếp khách, ăn uống có người chị mua đồ từ nơi khác mang xuống, giặt giũ xong phải phơi trong nhà vì sợ ô nhiễm”, bà Cảnh cho hay.
Theo bà Cảnh, cả khu dân cư có 3 tổ dân phố 23, 24, 25 (phường Thanh Xuân Trung) với 650 hộ (khoảng 2.600 người) bị ảnh hưởng. Trong đó, khu liền kề và hai tòa chung cư của hai tổ 24, 25 có 337 hộ, đa phần trẻ em và các cặp vợ chồng đã sơ tán hết, chỉ còn khoảng 1/3 số người ở lại (chủ yếu là người già).
Trường mầm non đóng kín cửa, công sở hoang mang
Cạnh hiện trường vụ cháy có trường mầm non tư thục cũng đang đóng kín cửa. Giáo viên tranh thủ quét dọn, phụt nước dọn rửa. Cách đó vài trăm mét trên đường Nguyễn Trãi, Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo đề nghị Cục có biện pháp kiểm tra xét nghiệm nguồn nước trong cơ quan, vệ sinh môi trường, máy móc, trang bị máy hút bụi; hỗ trợ nước uống tinh khiết, khẩu trang hoạt tính, khám chữa bệnh cho cán bộ nhân viên.