Sau động đất, Nhật sẽ hồi sinh mạnh

Sau động đất, Nhật sẽ hồi sinh mạnh
TP - Việc dọn dẹp và tái thiết sau trận động đất hôm 11-3 sẽ là bài kiểm tra năng lực của nước Nhật Bản và nhiều người cho rằng, nước này sẽ cho thấy khả năng và nỗ lực của họ cũng tương xứng với quy mô của thảm họa.

> Kỹ năng ứng phó thảm họa
> Đâu riêng người Nhật
> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Một tờ báo có uy tín nhận định ngay sau sự kiện rằng đây cũng là cơ hội, bởi “trận động đất tồi tệ nhất thế kỷ 20 từng là động lực cho những bước ngoặt lịch sử”. Đó là trận động đất Đường Sơn tại Trung Quốc vào năm 1976 giết chết hơn 240.000 người dẫn tới sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa và thúc đẩy việc mở cửa nền kinh tế quốc gia này ba năm sau đó.

Không chỉ thiên tai, những thảm họa với nỗi đau khôn cùng luôn thúc đẩy thay đổi trong xã hội như nạn đói năm 1945 ở Việt Nam cướp đi hai triệu người, 10% dân số miền Bắc thời bấy giờ, đã “đã trút thêm ngọn lửa căm hờn, tiếp sức cho dân tộc Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền sống của chính mình” (Dương Trung Quốc).

Những sự kiện như vậy thúc đẩy một hệ thống, trong trường hợp này là một đất nước, tới những điểm tới ngưỡng - những cuộc cách mạng - làm thay đổi hoàn toàn tình trạng của đất nước đó.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã gọi trận động đất là “thảm họa lớn nhất sau Thế chiến Thứ hai”. Ông kêu gọi đồng thời sự đoàn kết trong chính giới và toàn xã hội nhanh chóng xây dựng quỹ cứu trợ - một số tiền khổng lồ cũng sẽ giúp kích cầu nền kinh tế đang ảm đạm.

Nhớ lại những gì mà người Nhật đã làm được sau trận động đất Kanto phá hủy Tokyo năm 1923 và sau thất bại Thế chiến Thứ hai, chúng ta hiểu rằng thảm họa này sẽ khiến nước Nhật mạnh mẽ hơn và người Nhật sẽ cho thế giới thấy khả năng phục hồi của họ sau nỗi đau. Khả năng đàn hồi của một quốc gia trong nhiều trường hợp nằm ở chính sức mạnh tinh thần của họ.

Quy chuẩn thiết kế khắt khe và hệ thống thoát hiểm tại các thành phố đông bắc Nhật Bản đã giúp giảm thiểu mất mát về người. Những bài học mới từ thảm họa này cũng bắt đầu được thảo luận trong giới nghiên cứu.

Một trong những trọng tâm chính là khả năng thiết kế các đô thị mở cho phép sóng thần vượt qua dễ dàng thay vì ngăn cản chúng, để giảm thiểu sự sụp đổ của hệ thống hạ tầng và công trình cũng như dễ dàng tái thiết sau này.

Đây cũng chính là một khía cạnh cốt lõi của lý thuyết về tính đàn hồi vốn đề cao sự linh hoạt trong biến động để giảm rủi ro gắng tạo sự ổn định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG