Sau điều trị bệnh béo phì, bệnh nhân lại tăng cân 'chóng mặt'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sử dụng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa để giảm cân là những phương pháp được nhiều người bệnh béo phì áp dụng trong điều trị. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra khi hầu hết bệnh nhân sau khi đạt trọng lượng cơ thể theo mục tiêu thì lại tăng cân “chóng mặt” cao hơn cả trước điều trị.

Đó là thực tế được BS Thái Văn Hùng, Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết tại Hội thảo “Giải pháp mới trong điều trị béo phì” diễn ra ngày 2/3 tại bệnh viện. Theo BS Hùng, đến nay béo phì đã được xem là bệnh lý mạn tính cần phải theo dõi, điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm và gia tăng các nguy cơ cho người bệnh cùng với các bệnh lý nền khác đặc biệt béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như “hình với bóng”.

Hiện nay, béo phì đang trở thành mối lo ngại về sức khỏe toàn cầu do đó các giải pháp điều trị bệnh béo phì cũng đang ngày càng được quan tâm. Trên thế giới từng có nhiều chương trình để khuyến khích bệnh nhân béo phì giảm trọng lượng cơ thể tương ứng với nhiều giải thưởng như chương trình “Bước nhảy nghìn cân” tại Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết bệnh nhân béo phì sau khi giảm trọng lượng về mức mục tiêu mong muốn thì lại nhanh chóng tăng cân trở lại.

Sau điều trị bệnh béo phì, bệnh nhân lại tăng cân 'chóng mặt' ảnh 1

Bệnh nhân béo phì đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Một trong những nguyên nhân chính được bác sĩ chỉ ra là do sau quá trình giảm cân, cơ thể mất cân bằng về dinh dưỡng phóng thích nhiều hormone khiến bệnh nhân thèm ăn hơn. Mặt khác, người béo phì sau điều trị thường có tâm lý “xả hơi” và buông lỏng những quy tắc trong ăn uống, vận động dẫn tới cơ thể nhanh chóng tăng cân trở lại.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ y khoa không liên tục là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh không kiểm soát được tổng trạng của bản thân. Các vấn đề trên đang trở thành trở ngại lớn trong việc điều trị giảm cân bền vững cho bệnh nhân béo phì, gia tăng nguy cơ tạo ra vòng xoắn bệnh lý dẫn tới những biến chứng đe dọa sức khỏe cộng đồng.

BS Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, tại phòng khám Nội Tiết của bệnh viện khám và điều trị cho khoảng gần 6.000 bệnh nhân bị đái tháo đường mỗi tháng, trong đó số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70 - 80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân béo phì.

Theo BS Đức Chiến, các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh nhân béo phì tại Việt Nam đang gia tăng nhanh. Hiện có khoảng 22% người dân sống tại thành thị bị béo phì, tại nông thôn là hơn 11%. Lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau đang là nguyên nhân chính gia tăng tỷ lệ béo phì trong cộng đồng.

MỚI - NÓNG