Phải cắt chân vì chủ quan với vết thương nhỏ sau khi ngã

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bị thương khớp gối chân trái sau cú té ngã, bệnh nhân tự cho rằng vết thương nhẹ nên giấu con cháu và không đến bệnh viện. Hơn 1 tuần sau, bà phải nhập viện trong tình trạng chân bị hoại tử, các bác sĩ buộc phải đoạn chi để giữ lại sinh mạng cho người bệnh.

Ngày 27/2, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị nhiễm trùng, hoại tử nghiêm trọng trên nền cơ địa của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân là bà N.T.B (69 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) được chuyển đến khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng chân trái bị hoại tử nghiêm trọng.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, bệnh nhân bị đái tháo đường nhiều năm nhưng việc điều trị không liên tục. Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, bà bị té và có vết thương nhỏ ở khớp gối chân trái.

Phải cắt chân vì chủ quan với vết thương nhỏ sau khi ngã ảnh 1

Nữ bệnh nhân bị tiểu đường đã bị biến chứng, hoại tử dẫn tới phải đoạn chi

Bệnh nhân cho biết: “Tôi nghĩ vết thương không đến mức nghiêm trọng nên không muốn con cháu lo lắng mà tự chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều ngày sau, cẳng chân trái của tôi đau nhức, tím đen như tảng cơm cháy. Tôi đau quá nên mới nói cho người nhà chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không kịp”.

Qua thăm khám và thực hiện các kết quả xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị hoại tử nặng cả cơ và xương, không còn khả năng điều trị bảo tồn. Sau cuộc hội chẩn liên chuyên khoa của bệnh viện, bà B đã phải thực hiện cuộc phẫu thuật cắt đoạn chi đến ngang đùi trái để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng, hoại tử lan rộng, có thể đe dọa tính mạng.

TS.BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết cho biết: “Trên bệnh nhân đái tháo đường biến chứng hoại tử là tình trạng đáng sợ nhất bởi ngoài tổn thương mạch máu thì các yếu tố nhiễm trùng, lở loét là vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn những trường hợp này thường dẫn đến vết thương mạn tính. Khi bị biến chứng nhiễm trùng, lở loét thì tỷ lệ cắt cụt chi ở mức rất cao, chiếm khoảng 30%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh”.

Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc vết thương cho người bệnh, ngày 27/2 tại TPHCM, phòng khám Bernard Healthcare đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là thành viên Hiệp hội Ningen Dock Nhật Bản. Tại TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên khám sức khỏe theo mô hình Ningen Dock của Nhật theo đề án hợp tác giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Trường Đại học quốc tế y tế và phúc lợi Nhật.

Đặc biệt, phòng khám này hướng đến phát triển chuyên sâu, mở rộng đào tạo mô hình chăm sóc và điều trị vết thương; theo dõi chuyên sâu tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn chăm sóc vết thương sau điều trị tại nhà giúp người bệnh tránh nguy cơ biến chứng và sớm bình phục.

Các bác sĩ cho biết, vết thương thường có 2 dạng cấp tính và mạn tính. Ở tình trạng cấp tính, bệnh nhân thường mới bị thương hoặc vừa phẫu thuật. Vết thương mạn tính là những vị trí đã bị thương trên cơ thể từ 4 tuần trở lên. Vết thương cấp tính nếu không được xử lý tốt có thể chuyển sang tình trạng mạn tính.

Vết thương mạn tính hiện là một thách thức lớn đối với bác sĩ điều trị. Thế giới đã phát triển riêng một đơn vị chuyên về chăm sóc vết thương nhưng tại Việt Nam lĩnh vực này mới bắt đầu phát triển nên hiểu biết của cộng đồng còn hạn chế.

MỚI - NÓNG