Sát thủ diệt hạm đáng sợ nhất sắp gia nhập Hải quân Mỹ

LRASM có thể tự động nhắm mục tiêu mà không cần sự can thiệp của tàu phóng. Ảnh đồ họa: Lockheed Martin.
LRASM có thể tự động nhắm mục tiêu mà không cần sự can thiệp của tàu phóng. Ảnh đồ họa: Lockheed Martin.
Tên lửa chống hạm LRASM với tầm bắn 370 km cùng khả năng tàng hình cao sẽ được trang bị cho tiêm kích trên hạm F/A-18 vào năm 2019.

Tạp chí National Interest đưa tin, tập đoàn Lockheed Martin đang phối hợp với Phòng Nghiên cứu Hải quân và Cơ quan Phát triển các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) để đẩy nhanh tiến độ chương trình Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM).

Mục tiêu của chương trình là sẽ tích hợp tên lửa mới cho máy bay ném bom B-1B Lancer vào năm 2018 và tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet từ năm 2019. Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết: “Các tàu chiến Mỹ sẽ có khả năng tấn công mục tiêu có giá trị cao từ xa và tránh bị đối phương đáp trả”.

Tên lửa LRASM có chiều dài 4,2 m, trọng lượng phóng 1.133 kg, tầm bắn khoảng 370 km (gấp đôi so với Harpoon-tên lửa chống hạm chủ lực hiện nay của Hải quân Mỹ). Vũ khí này được thiết kế để phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer, tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet hoặc ống phóng thẳng đứng trên tàu chiến.

Tên lửa bán tự động

LRASM là một phiên bản của đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM. Tên lửa được thiết kế với khả năng nhắm mục tiêu bán tự động chưa từng có trước đây. Đại diện nhà sản xuất tiết lộ, họ đã phát triển một loạt các công nghệ bí mật cho dự án. LRASM sử dụng cảm biến đa phương thức, liên kết dữ liệu mã hóa cao cùng hệ thống định vị toàn cầu kỹ thuật số.

Hệ thống dẫn đường của nó được lập trình sẵn, cảm biến lắp trên tên lửa có thể tự động sục sạo và khóa mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của tàu phóng. Tên lửa có thể tự động lựa chọn mục tiêu nguy hiểm nhất trong nhóm mục tiêu phát hiện được. Tên lửa mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 450 kg có thể vô hiệu hóa mọi mục tiêu.

Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, hệ thống dẫn đường trên tàu phóng chỉ can thiệp một phần vào quá trình bay đến mục tiêu. Khi tên lửa đến gần mục tiêu ở một khoảng cách nhất định, nó sẽ chuyển sang chế độ tự động để bất ngờ tập kích mục tiêu.Thân tên lửa được thiết kế theo công nghệ tàng hình khiến đối phương rất khó phát hiện từ xa.

Sát thủ diệt hạm đáng sợ nhất sắp gia nhập Hải quân Mỹ ảnh 1

Tên lửa LRASM sẽ thay thế cho Harpoon trong biên chế Hải quân Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Scott Callaway – quản lý chương trình LRASM của Lockheed Martin nói với tờ tin tức quân sự Scout Warrior rằng: “Chúng tôi đã phát triển một động cơ tăng cường mới gắn vào đuôi LRASM cho phép phóng từ nhiều nền tảng khác nhau như tàu khu trục, tuần dương và tàu chiến ven biển”.

Ông cho biết thêm, phiên bản LRASM phóng từ tàu chiến có thể được đưa vào hoạt động từ năm 2020. Tên lửa sẽ được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 sẵn có trên các chiến hạm Mỹ.

Chiến lược phân tán mối đe dọa

Sự phát triển của LRASM là một phần trong chiến lược “Phân tán mối đe dọa” đang được Hải quân Mỹ triển khai nhằm đáp ứng thách thức mới. Kế hoạch nhằm trang bị tốt hơn cho các tàu chiến Mỹ để ngăn chặn, chống lại một cách hiệu quả các đối thủ mới nổi.

Một tên lửa có khả năng phóng từ nhiều nền tảng khác nhau cho phép Hải quân Mỹ chia sẻ hỏa lực cho nhiều lực lượng, thay vì phụ thuộc vào một số phương tiện nhất định. LRASM với tầm bắn 370 km lắp trên tiêm kích F/A-18 sẽ giữ kẻ thù tiềm năng ở ngoài khoảng cách có thể gây nguy hiểm cho hạm đội Mỹ.

Trung tá Kara Yingling, phát ngôn viên Hải quân Mỹ cho biết: “Hải quân đang nghiên cứu và xác định các yêu cầu kỹ thuật cho tên lửa chống hạm mới. Loại vũ khí được chọn phải đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đề ra và mang lại lợi ích tốt nhất cho chính phủ”.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG