Sạt lở đất tại miền Trung: Rà soát để cảnh báo sớm

Máy xúc của Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam mở đường thông tuyến vào hiện trường sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam Ảnh: cảnh huệ
Máy xúc của Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam mở đường thông tuyến vào hiện trường sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam Ảnh: cảnh huệ
TP - Chiều 30/10, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, lãnh đạo ba bộ cùng lên tiếng, giải đáp những vấn đề liên quan đến các đợt bão lũ miền Trung hiện nay.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ứng phó với thiên tai bão lũ, Chính phủ đã có giải pháp cho công trình nhà ở “ba cứng”: Sàn cứng, tường cứng và mái cứng, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ xảy ra. Chính phủ đã có chương trình nhà ở vượt lũ cho miền Trung, với 3 nghìn căn nhà, và tới đây Bộ Xây dựng sẽ cùng Bộ NN&PTNT nhân rộng mô hình này. Còn với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ông Hùng khẳng định, không công trình nào chịu đựng được. Do vậy, buộc phải tiến hành rà soát, di dời và có hướng dẫn cụ thể để người dân sớm nhận được cảnh báo, di dời nhanh, kịp thời.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, đợt thiên tai lũ lụt ở miền Trung vừa qua khốc liệt hơn trận lũ lịch sử năm 1999. Đặc biệt, cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua, mưa lớn kéo dài và lớn hơn năm 1999. Tuy nhiên, mức thiệt hại vừa qua chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999. Lý giải về yếu tố con người tác động đến thiên tai ra sao?  Theo ông Thành, nguyên nhân chính được xác định, khu vực miền Trung đồi núi cao,  mưa lâu ngày gây ra lực lớn kéo xuống… Cùng với đó, việc xây dựng  nhiều công trình, như mở đường, san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà máy thủy điện cũng làm mất ổn định sườn dốc, trở thành những nguyên nhân kích hoạt, dẫn tới thiên tai xảy ra. Còn tình trạng mất rừng, lãnh đạo Bộ TN&MT cho rằng, phải đánh giá trong từng trường hợp cụ thể.

Phải có lực lượng chuyên nghiệp hơn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, chỉ trong 20 ngày đã xảy ra 4 cơn bão, chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy. Đặc biệt, năm nay có nhiều cơn bão lớn tập trung ở miền Trung. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo sớm, người dân cơ bản biết thông tin, đồng thời cả hệ thống chính trị cũng vào cuộc sớm.

Theo ông Hiệp, ở một số nơi có diện ngập lớn, thậm chí lụt cả tới tầng 2, như ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, có nhà ngập tới 6,3 m, vượt so với trận lũ lịch sử trước đây. Trong thời gian mưa lũ, lực lượng công an, quân đội tham gia tích cực, nhiều đồng chí đã hi sinh, bị thương. Theo ông Hiệp, trong thời gian lũ lụt, nhiều chiến sĩ không ngủ, rất vất vả. Nhưng trước bối cảnh hiện nay, ông Hiệp cho rằng, phải có lực lượng chuyên nghiệp hơn, trang bị hiện đại hơn, như vậy mới cứu hộ nhanh, an toàn.

“Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My (Quảng Nam), đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo. Rõ ràng, chúng ta cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo”.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp 

MỚI - NÓNG