Sáp nhập, yếu thành mạnh

Sáp nhập, yếu thành mạnh
TP - Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho biết như trên, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua, sau sự kiện hợp nhất ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn.

> Lợi ích khách hàng trên hết
> Hợp nhất ba ngân hàng tại TP HCM

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV).

Theo ông Dũng, việc hợp nhất ba ngân hàng trên nằm trong chủ trương, lộ trình chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Dưới góc độ cơ quan bảo hiểm tiền gửi, DIV thực hiện bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật, nên họ hoàn toàn yên tâm với tiền gửi của mình tại các ngân hàng sáp nhập.

Nhưng nhiều người gửi tiền băn khoăn việc sáp nhập ba ngân hàng yếu trên liệu có khiến nó yếu thêm?

Theo tôi, việc sáp nhập này sẽ tạo ra một ngân hàng tốt hơn, hoạt động lành mạnh hơn vì ngân hàng mới sẽ có số vốn điều lệ lên tới gần 10.000 tỷ đồng và tổng giá trị tài sản là 150.000 tỷ đồng. Hơn thế nữa, Nhà nước sẽ tham gia vốn vào ngân hàng mới thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

BIDV sẽ tham gia vào việc quản trị và điều hành của ngân hàng mới. Do đó, việc sáp nhập sẽ tạo ra một ngân hàng mạnh cả về vốn và năng lực quản trị nên quyền lợi của người gửi tiền không bị ảnh hưởng mà còn tốt hơn.

Là đại diện của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tôi muốn nói với người gửi tiền một thông điệp rằng, người gửi tiền hoàn toàn yên tâm với tiền gửi của mình tại các ngân hàng mua bán hoặc hợp nhất. Người gửi tiền không nên rút tiền vì như vậy sẽ bị thiệt thòi về mặt kinh tế do việc rút trước hạn hoặc những quyền lợi khác.

Giả sử có rủi ro thì việc chi trả bảo hiểm tiền gửi cụ thể là bao nhiêu, thưa ông?

Theo quy định, mức bảo hiểm tiền gửi tối đa hiện nay là 50 triệu đồng. Vì thế, nếu gửi 50 triệu đồng mà ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được nhận 100%; trường hợp cao hơn 50 triệu đồng, người gửi sẽ nhận được 50 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi, số còn lại phải căn cứ vào quy định của pháp luật về phá sản.

Chẳng hạn, gửi 100 triệu đồng, chắc chắn sẽ được nhận 50 triệu đồng; 50 triệu đồng còn lại sẽ phải căn cứ vào việc thanh lý tài sản ngân hàng phá sản để chi trả. (Tuy nhiên, chính phủ đã nhiều lần khẳng định là sẽ không để ngân hàng nào pháp sản - TP)

Hiện, mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay theo các chuyên gia là quá thấp. Vì thế, DIV đang kiến nghị tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên 200 triệu đồng.

Trong trường hợp nhiều người có nguyện vọng rút tiền mà DIV không có khả năng chi trả thì xử lý thế nào, thưa ông?

Đến thời điểm này thì chưa bao giờ xảy ra trường hợp đó. Còn giả sử xảy ra việc DIV không có khả năng chi trả thì NHNN và Bộ Tài chính sẽ đứng ra can thiệp. Thực tế, không chỉ có ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn hợp nhất mà tới đây, dự kiến sẽ tiếp tục sáp nhập thêm một số ngân hàng nhỏ nữa.

Cảm ơn ông!

Phong Cầm (thực hiện)

Mọi yêu cầu rút tiền được đáp ứng

Hôm qua, 7-12, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, các điểm giao dịch của cả 3 ngân hàng sắp hợp nhất là Sài Gòn, Tín Nghĩa và Đệ Nhất khá vắng vẻ. Tuy nhiên tại tại trụ sở chính của SCB ở TPHCM, khá đông khách đến rút tiền, trong số này có những người đã đến hạn, một số chưa đến kỳ tất toán. Chi nhánh Hà Nội SCB trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cũng có một số khách đến rút tiền.

Theo một giao dịch viên tại đây, những người đến tất toán sổ đều được thanh toán đầy đủ gốc, lãi. Nói về diễn biến này, một đại diện của SCB khẳng định: “Sau khi ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thì nguồn tiền về ngân hàng khá dồi dào. Chúng tôi sẽ đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách”.

Theo một nguồn tin, tổng số huy động vốn trên thị trường dân cư của 3 ngân hàng này hiện vào khoảng 80.000 tỷ đồng.

K.Huyền (Tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG