Sáp nhập huyện, xã: Đề xuất bán đấu giá trụ sở dôi dư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công…

Đoàn giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa báo cáo kết quả giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Đoàn giám sát viện dẫn báo cáo của Chính phủ và các địa phương, cho thấy, ngay sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, UBND cấp tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp, sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã (mới) theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với trụ sở làm việc của các cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Nhiều địa phương đã lựa chọn hợp lý trụ sở làm việc của 1 trong số những đơn vị (cũ) trước khi sắp xếp để làm trụ sở mới. Một số huyện, xã sau khi thành lập vẫn tạm thời bố trí người làm việc ở cả 2 hay nhiều trụ sở như trước khi sắp xếp do khoảng cách giữa các trụ sở khá xa, để bảo đảm thuận tiện cho giao dịch của người dân, hoặc do chưa bố trí, sắp xếp được hết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư…

Sáp nhập huyện, xã: Đề xuất bán đấu giá trụ sở dôi dư ảnh 1

Theo đoàn giám sát, cần tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát là ở một số địa phương, trụ sở làm việc bị phân tán do vẫn duy trì 2-3 trụ sở như trước. Việc này làm cho kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì và các chi phí hành chính không giảm được như mong đợi, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian, quãng đường di chuyển tăng thêm nhiều.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng. Do địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Theo đoàn giám sát, việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp các trụ sở dôi dư tại một số tỉnh còn chậm và có nhiều bất cập. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân, chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa trụ sở cao.

“Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển, giá trị giảm do không còn nằm ở khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá do chưa có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và điều kiện kinh tế của người dân địa phương còn khó khăn”, Đoàn giám sát cho hay.

Trước thực trạng trên, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xử lý theo hướng, đối với các trụ sở có khả năng chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thì khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Với các trụ sở vượt quá tiêu chuẩn, định mức nhưng không thể bán đấu giá, phải báo cáo và được sự đồng ý của UBND cấp tỉnh; được xem xét cấp bổ sung kinh phí duy trì trụ sở theo khả năng cân đối của địa phương. Đặc biệt, cần tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương.

“Chính phủ chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công thuộc diện này, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tránh gây lãng phí, giảm giá trị do hư hỏng, thất thoát tài sản”, Đoàn giám sát cho hay.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.