Sáp nhập 6 xã để mở rộng thị xã Sầm Sơn

Thị xã Sầm Sơn được mở rộng để áp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Mạnh Cường.
Thị xã Sầm Sơn được mở rộng để áp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Mạnh Cường.
Với 100% đại biểu có mặt, Thường vụ Quốc hội sáng 14/5 đã thông qua 6 đề án sáp nhập, chia tách, mở rộng địa giới hành chính của một số tỉnh thành, trong đó có việc mở rộng thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 6 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại về thị xã Sầm Sơn quản lý.

Sau khi điều chỉnh, thị xã Sầm Sơn có trên 4.500 ha diện tích tự nhiên, hơn 100 nghìn nhân khẩu và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 4 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến) và 7 xã (Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại).

Theo báo cáo của Chính phủ, thị xã Sầm Sơn là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Thanh Hóa, là một trong những trung tâm du lịch biển của cả nước nhưng có diện tích tự nhiên nhỏ (1.788,83 ha), trong đó phần diện tích đất chưa sử dụng còn rất ít (65,07 ha), thiếu quỹ đất cho phát triển đô thị. Trong khi đó, 6 xã thuộc huyện Quảng Xương có vị trí liền kề với thị xã Sầm Sơn, việc chuyển 6 xã này về thị xã Sầm Sơn quản lý sẽ tạo thuận lợi cho phát triển đô thị và kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cũng nằm trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa, hai thị trấn Nông Cống và Rừng Thông cũng được mở rộng.

Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 5 đề án thành lập các thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải (Trà Vinh); Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ (Hậu Giang); Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công (Thái Nguyên); Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai (Bạc Liêu); thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước. Tổng nhu cầu vốn đầu tư của 6 đề án khoảng 26.000 tỉ đồng.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG