Trắng đêm cứu hộ
“Thương vong ban đầu khá nhiều. Tôi bắt đầu vào hiện trường!”, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói với phóng viên Tiền Phong ngay sau khi tai nạn xảy ra, đêm 25/3. Ngày thường để vào được công trường tỷ đô này phải qua rất nhiều người can thiệp và nhiều cổng kiếm soát, huống chi trong đêm tối.
“Ban đầu nghe thấy tiếng kêu lạch cạch, mọi người lo sợ không an toàn nên nhiều công nhân đã thấy hoảng loạn chạy vào cầu thang thoát hiểm. Sau đó, người chỉ huy công trình ra hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục trở lại làm việc. Khoảng nửa tiếng sau, toàn bộ giàn giáo kéo theo mọi người đổ rầm xuống”.
Hoàng Thanh Mai (Nghĩa Đàn, Nghệ An)
Gần mười giờ đêm, tiếng còi hú vọng rẽ ngoặt vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, lúc này, hàng trăm người gồm y bác sỹ và công nhân đang khiêng từng nạn nhân vào phòng cấp cứu. “Bạn em chết rồi anh ơi. Chết hết rồi, nhiều lắm”, một công nhân tên Dũng òa khóc bên chiếc xe cứu thương.
Sau khi nhận lệnh mới, chiếc xe cứu thương tiếp tục hành trình gần 20km vào hiện trường. Lúc này, trên QL1A tiếng còi hú của xe cấp cứu, xe cứu hộ thức tỉnh người dân thị trấn Kỳ Anh. Khoảng 10 giờ 30 phút, chiếc xe cứu thương chở chúng tôi đỗ xịch tại công trường của Cty Samsung C&T Việt Nam làm nhà thầu chính, Cty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc) làm thầu phụ.
Tại đây, một cảnh tượng hãi hùng ập vào mắt, hàng ngàn tấn sắt của hệ thống giàn giáo đổ sập xuống đất, hàng trăm người đang hò hét để bốc từng thanh sắt ra tìm kiếm nạn nhân. “Đây rồi, xe cứu thương đâu, nhanh lên. Máy cẩu dừng lại đi không vướng phải nạn nhân. Nhanh lên…”, từng tiếng gọi lớn vọng ra từ đống đổ nát. Trong chốc lát, tiếng còi hú lao vụt vào công trường. Nạn nhân thứ 10 tử vong được đưa ra.
Lúc này, tại hiện trường, ba Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ba Phó Giám đốc Công an tỉnh đang trực tiếp chỉ đạo hiện trường. “Đến bây giờ đã huy động hơn 500 người gồm công an, biên phòng và công nhân của các công trường lân cận để cứu hộ. Phải đưa nạn nhân ra ngay trong đêm. Hiện chưa thể xác định được số người thương vong bây giờ”, ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói. Lúc này, hiện trường như một đại công trường đang thi công với tiếng máy, tiếng người, tiếng nổ từ những mũi cắt của lực lượng cứu hộ.
Sau nhiều lần bị một số cán bộ người nước ngoài ngăn cản tiếp cận hiện trường, phóng viên Tiền Phong liều mình đi ra một góc khuất rồi men theo hệ thống giàn giáo bên cạnh để leo lên hiện trường. “Không được vào khu vực này, đề nghị nhà báo phải ra ngay”, thiếu tá Võ Tá Nguyên, Trạm trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Sơn Dương vừa nói, một tiếng rầm từ chiếc gàu múc va vào hệ thống giàn giáo.
Trước sự liều mình của phóng viên khi nhảy cùng một chiến sỹ công an xuống sâu phía dưới qua từng thanh chắn sắc nhọn, thiếu tá Nguyên đành chấp nhận và yêu cầu phải thực hiện những lời anh hướng dẫn trong mỗi bước đi. Gần 2 giờ sáng, trời mưa tầm tã, bốn chiếc máy cẩu hoạt động hết công suất để kéo từng tảng thép đưa ra khỏi hiện trường để lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân.
Được sự hỗ trợ của nhiều chiến sỹ công an cơ động, phóng viên Tiền Phong leo được xuống khu vực các chiến sỹ công an và biên phòng đang luồn lách tìm nạn nhân bị kẹt. “Có hai nạn nhân ở đây. Đề nghị máy cẩu dừng lại đi, không làm trầy xước nạn nhân bây giờ”, thiếu tá Võ Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Tĩnh hô lớn. Ngay cạnh thiếu tá Khoa, đại úy Phạm Văn Hùng, Công an huyện Kỳ Anh người dầu nhớt nhầy nhụa, trên tay chiếc đèn pin đang luồn lách tìm kiếm nạn nhân.
“Chỉ huy nhiều lần đề nghị ra ngoài nghỉ lấy sức để ngày mai tiếp tục nhưng mình nghỉ sao được khi nạn nhân đang đau đớn nằm trong đống đổ nát này”, đại úy Hùng cho biết. Vừa dứt lời, một thanh sắt phi 10 đâm lệch hông vì chiếc cẩu đang cố nâng hệ thống giàn giáo bên cạnh. Mặc dù lực lượng cứu hộ cố sức đưa thi thể ra nhưng đành bất lực vì hệ thống giàn giáo vướng phải nhau, phải thực hiện cắt thành khúc mới nâng lên để đưa thi thể nạn nhân ra khỏi, nếu không phải cắt từng bộ phận. “Đang nghi vấn có nhiều thi thể bên dưới nữa. Mong sao con số dừng lại ở 12 như báo cáo để anh em yên lòng tháo dỡ”, thiếu tá Nguyên nói.
Những cảnh đời...
Nằm bất động trên giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh trong tình trạng đa chấn thương, giữ chặt phần tay đang bị đau anh Đinh Minh Đàn (SN 1989, trú tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình), khuôn mặt vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng. Anh Đàn nhớ lại, khoảng một giờ sau khi đổi ca, anh Đàn cùng mọi người đang tập trung với công việc của mình trên giàn giáo, bỗng thấy cả hệ thống giàn giáo rung lắc và chỉ trong chốc lát tất cả như bất ngờ khiến anh rơi vào tự do xuống đất rồi ngất lịm sau khi tỉnh dậy thấy đã ở trong bệnh viện.
“Khi đang làm ở độ cao 20m, tôi thấy hệ thống giàn giáo kêu cạch một tiếng rồi cơ thể tôi trượt xuống kèm theo tiếng la hét thất thanh của anh em công nhân đang làm cùng, sau đó tôi bị ngất đi lúc nào không hay, tỉnh dậy thấy mình đang ở trong bệnh viện”, anh Đàn cho biết.
Nỗi đau của những người thân nạn nhân
Nằm bên cạnh anh Đàn, anh Hoàng Thanh Mai (SN 1975, trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết, trước lúc xảy ra tai nạn, tại công trình thi công đã xảy ra rung lắc. “Ban đầu nghe thấy tiếng kêu lạch cạch, mọi người lo sợ không an toàn nên nhiều công nhân đã thấy hoảng loạn chạy vào cầu thang thoát hiểm. Sau đó, người chỉ huy công trình ra hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục trở lại làm việc.
Khoảng nửa tiếng sau, toàn bộ giàn giáo kéo theo mọi người đổ rầm xuống”, anh Mai kể lại. Nguyễn Văn Tài (SN 1993, trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, cùng làm việc trong ca tối với anh có khoảng 50 người. Sự việc bất ngờ xảy ra khi mọi người đang tập trung làm việc trên giàn giáo của công trình. “Diễn biến quá bất ngờ, mọi người không kịp phản ứng. Khả năng do trượt đường ray của giàn thủy lực bất ngờ rơi xuống kéo theo toàn bộ hệ thống giàn giáo rơi từ độ cao khoảng 30m khiến các nạn nhân đang thi công gặp nạn. Tôi chỉ nghe thấy tiếng hét thất thanh và những tiếng đổ rầm rồi ngất lịm”, anh Tài nói.
Không khí ảm đạm, tang thương bao trùm vùng đất Vũng Áng. Nỗi đau tột cùng của những người thân, khóc than bên thi hài của con, em mình. Ông Trần Ngọc Sáng (thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên, TX Ba Đồn, Quảng Bình) ngồi gục bên thi hài của con trai Trần Công Minh (SN 1995). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm cày cấy bên thửa ruộng cằn cỗi, nhà lại đông anh em, Minh rời quê ra Hà Tĩnh làm công nhân cho Công ty Nibelc được 4 ngày thì xảy ra tai nạn. Anh Lê Viết Tiến (Thanh Hóa) người làm cùng với Minh cho biết: “Minh là người hiền lành chất phác, nhiệt tình với công việc. Hầu hết anh em công nhân vào làm việc tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn!”.
Rời cảng Vũng Áng và Bệnh viện huyện Kỳ Anh, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nơi mà hầu hết nạn nhân đều được đưa đến cứu chữa sau vụ tai nạn kinh hoàng. Nạn nhân Nguyễn Văn Sỹ (SN 1990), quê Lâm Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đi làm được 20 ngày thì xảy ra vụ tai nạn sập giàn giáo. Anh Phạm Văn Xô (SN 1974) là cậu của nạn nhân Sỹ, làm ở giàn giáo bên cạnh đó, ôm thi hài của cháu khóc than: “Cháu ơi, tưởng rằng cháu ra đây làm ăn, kiếm sống, sao cháu lại ra đi chứ. Cậu biết nói sao với bố mẹ đây, lúc đi còn nói mang tiền về giúp bố, mẹ giờ cậu phải làm sao!”.
Cách thi hài nạn nhân Sỹ không xa là tiếng kêu gào thảm thiết của người thân nạn nhân Phạm Văn Tân (1951), quê xóm 6, xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An. “Cha ơi! Sao lại bỏ chúng con mà đi!”. Tiếng khóc xé lòng, nhức buốt trong chiều mưa lạnh. anh Phạm Văn Hùng, con trai thứ 3 của nạn nhân kêu gào. Gia cảnh éo le, chăm chỉ làm nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng không thể khấm khá nổi, một ngày ông Tân đành phải ly hương. Tuổi cao sức yếu, vì miếng cơm manh áo ông phải xa gia đình.
Cả ngàn con người vật lộn với đống đổ nát, sau gần trọn một ngày “tả xung hữu đột”, khi nạn nhân cuối cùng được đưa ra khỏi hiện trường.