Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Giá vàng SJC vẫn cao hơn thế giới 14- 15 triệu đồng/lượng. |
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
Trong đợt 1 vào tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội và TPHCM thành lập các đoàn kiểm tra một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng có trụ sở chính trên địa bàn.
Trong đợt 2 vào tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng địa bàn thanh tra, kiểm tra qua việc yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an…) triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách bao gồm: Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, loại bỏ tình trạng vàng hóa ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.
Các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước tiến hành lấy ý kiến 63 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sửa dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24.
Tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (đến cuối tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được đầy đủ các ý kiến). Đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để nghiên cứu và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng - cho rằng, thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính, gồm: Vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước và vàng dưới dạng trang sức, đóng vỉ của các doanh nghiệp khác.
Theo ông Hùng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, chưa kể vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên trên mốc 68 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới 14 - 15 triệu đồng/lượng.
“Đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng”, ông Hùng nói.