Trước khi sang Việt Nam, chị có nghe về phản hồi của khán giả Việt Nam trước độ dài và tiết tấu chậm của các tập phim “Cô dâu 8 tuổi”?
Tôi rất hồi hộp và vui sướng trước khi đến đất nước của các bạn. Vì vậy, trước chuyến đi, tôi dành thời gian tìm hiểu về văn hóa, con người và những món ăn Việt Nam. Qua fanpage của bộ phim, ít nhiều tôi cũng đã được giao lưu với khán giả Việt Nam. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, động viên, tôi biết nhiều người ca thán rằng phim quá dài so và tiết tấu quá chậm so với những bộ phim họ từng xem.
Tôi nghĩ mỗi thể loại đều có lượng khán giả riêng. Những ai thích phim hành động, giả tưởng sẽ không đủ kiên nhẫn để xem “Cô dâu 8 tuổi”, nhưng những bà nội trợ, buôn bán lại rất thích xem và theo dõi những biến cố xảy ra trong một gia đình. Đó là phong cách làm phim của Ấn Độ và một số nước khác trên thế giới. Trước khi bắt tay vào thực hiện, nhà sản xuất đều hướng tới một đối tượng khán giả nhất định. Vì vậy, những người chê phim dài phần lớn không thuộc đối tượng nhà sản xuất nhắm đến.
Một số khác cho rằng phim gây mất đoàn kết gia đình do cả một số thành viên luôn bị phụ nữ trong gia đình dành ti vi để xem “Cô dâu 8 tuổi”. Tôi nghĩ đây là một lời trách móc đáng yêu. Bởi nếu phim không có sức thuyết phục, hẳn phụ nữ sẽ không được nhường nhịn trong cuộc chiến giành tivi với các quý ông.
Chị cảm nhận ra sao về khán giả Việt Nam khi lần đầu đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất?
Khán giả Việt Nam rất nồng hậu, nhân ái và cuồng nhiệt. Họ đưa ra nhiều nhận xét khách quan, nhớ nhiều tình tiết trong phim. Có những tình tiết bản thân tôi quên nhưng khán giả lại rất nhớ.
Chị chia sẻ gì về cơ duyên của mình đối với vai diễn mẹ chồng trong bộ phim “Cô dâu 8 tuổi”?
Nạn tảo hôn và vị trí của phụ nữ trong xã hội Ấn Độ là đề tài mà tôi quan tâm. Bởi vậy, tôi nhận vai diễn này nhằm góp phần truyền tải thông điệp nhân văn của bộ phim. Nạn tảo hôn cần phải được chấm dứt và quyền lợi của phụ nữ phải được đề cao. Ở Ấn Độ, nhất là những vùng thôn quê, những hủ tục vẫn đang tiếp diễn. Những quan điểm này cần phải được thay đổi nhanh chóng. Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn và tự hào khi được tham gia bộ phim này. Tôi có hai cô con gái và là một người mẹ, tôi nhận thấy việc con gái được giáo dục tốt là điều vô cùng quan trọng. Tất nhiên với con trai cũng thế, nhưng đối với những cô con gái thì cần thiết hơn vì phụ nữ hiện chưa được đối xử công bằng. Bộ phim chính là tiếng nói để kêu gọi quyền bình đẳng cho họ, để họ được đi học và giáo dục.
Smita trong buổi giao lưu với khán giả Việt Nam.
Tham gia 1 vai diễn trong suốt 6 năm, chị cảm thấy thế nào?
6 năm gắn bó với một vai diễn, nó đã trở thành một thói quen, một sự gắn bó thân thuộc chứ không còn là công việc diễn xuất nữa. Mọi cái đến với tôi một cách tự nhiên và tôi cũng đón nhận nó như những điều tự nhiên nhất.
Tuy nhiên, tôi cũng khá mệt mỏi, đôi lúc chán nản vì có cảm giác mình không thể sáng tạo gì hơn cho vai diễn này. Sự lặp lại các hành động, trạng thái tâm lý, diễn các cảnh khóc quá nhiều khiến tôi đôi khi kiệt sức.
Phong cách của Sumitra trong phim rất được lòng khán giả, thế nên có rất nhiều người khen tôi rằng "bạn trông tuyệt quá", thế nhưng họ đâu biết rằng để có được hình ảnh đẹp như thế thì tôi đã phải khó khăn như thế nào. Mỗi ngày lên phim trường, tôi mất hơn ba tiếng ngồi bất động để hóa trang, đeo trang sức. Việc mặc trang phục truyền thống rất cồng kềnh, nóng bức, gây khó khăn, nặng nề cho diễn viên trong việc di chuyển. Trong khi quay, tôi còn phải để tâm đến hai diễn viên nhí trong vai cô dâu chú rể. Chúng rất quậy phá, thường xuyên bày trò trêu ghẹo mọi người. Tôi luôn phải để mắt, nhắc nhở và hướng dẫn diễn xuất cho chúng. Nhiều lúc tôi mệt phờ khi trở về nhà, chỉ muốn nghỉ ngơi và không có thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, những lời khen từ khán giả chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng.
Smita trong phim “Cô dâu 8 tuổi”.
Chị quản lí thời gian của mình như thế nào để tham gia 1 vai diễn trong suốt 6 năm?6 năm cho một vai diễn thì thời gian là một vấn đề lớn. Tôi phải sắp xếp mọi thứ để cân bằng được thời gian dành cho gia đình và công việc. Như đã chia sẻ, diễn xuất đã trở thành một thói quen đối với tôi, là công việc mà tôi vô cùng yêu thích nên chỉ cần được nhìn thấy khán giả đón nhận, tình cảm của mọi người dành cho mình là tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục công việc. Gia đình tôi có bố mẹ chồng và quản gia. Họ lo liệu mọi sinh hoạt trong nhà. Có thời gian rảnh, tôi tham gia giúp đỡ họ và chơi cùng hai con gái. Còn lại, phần lớn thời gian tôi ở ngoài phim trường.
Ông xã và gia đình chia sẻ ra sao về công việc, vai diễn, cũng như nội dung bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” mà chị tham gia ?
Ông xã tôi rất ủng hộ công việc tôi đang theo đuổi. Bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" gửi gắm nhiều thông điệp xã hội, đặc biệt là nội dung bộ phim đề cập đến việc chống lại nạn tảo hôn - một vấn đề nhức nhối tại Ấn Độ. Khi tôi được tham gia một bộ phim như thế thì ông xã tôi, mẹ chồng tôi cũng rất ủng hộ và tự hào. Mẹ chồng tôi nói với tôi rằng, tất cả bạn bè của bà đều xem bộ phim này và họ khen con dâu của bà thật tài năng (cười). Bà đi đến đâu cũng khoe với mọi người rằng, người mẹ chồng trong phim là "con dâu của tôi đấy!".
Vậy đâu là lý do chị bỏ ngang vai diễn của mình ở tập 1594?
Bộ phim đã mang lại cho tôi rất nhiều điều nhưng với tư cách là một diễn viên, tôi cảm thấy khá nhàm chán vì đóng đi đóng lại một phim trong thời gian dài. Tôi hiểu nội dung phim sẽ còn đi tiếp, còn nhiều câu chuyện phát triển nhưng tôi thấy không còn gì để khai thác ở nhân vật của mình nữa. Tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình cùng 2 cô con gái và muốn làm mới mình để có thể mang lại cho khán giả vai diễn hoàn toàn mới lạ.
Tôi có nhiều dự án sân khấu. Trước giờ tôi đóng phim không vì tiền nên khi nghỉ làm việc trên phim trường, tôi vẫn không sợ chết đói. Chồng tôi có một công việc ổn định và một vị trí vững chắc trong xã hội nên anh ấy có thể lo cho gia đình. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi cần chú ý hơn tới vai trò làm vợ, làm mẹ của mình.
Nếu tham gia những dự án phim ảnh tiếp theo, đâu là tiêu chí để chị nhận vai ?
Khi tham gia một dự án, có hai vấn đề quan trọng mà tôi sẽ cân nhắc. Thứ nhất, nhân vật của tôi là ai và tôi sẽ truyền tải điều gì đến khán giả thông qua nhân vật của mình. Thứ hai chính là thời gian. Thời gian đối với tôi rất quan trọng. Tôi không muốn bản thân mình lúc nào cũng bận rộn 30 ngày trong 1 tháng vì bên cạnh công việc, tôi vẫn muốn dành nhiều thời gian để chăm sóc gia đình mình. Ông xã tôi rất tâm lí, anh ấy thường cho tôi lời khuyên để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Tôi ước gì chúng tôi có thể duy trì như thế này trong tương lai. Đối với ngành công nghiệp phim ảnh ở Ấn Độ, chúng tôi làm việc hơn 18 tiếng mỗi ngày là bình thường. Tôi thường ra khỏi nhà vào lúc 6-8h sáng và trở về lúc 11h đêm.