Không ít người vỗ tay ủng hộ: “Đã mấy chục năm không còn tiếng pháo. Táo quân là tín hiệu thời khắc giao thừa”; “Không có pháo thì có Táo” v.v… Nhưng có không ít ý kiến lại than: “Hơi buồn khi Táo chưa dừng sóng”.
Đa phần những người chán “Táo” chung nhận định: “Táo” càng ngày càng nhạt, có phần hơi nhảm, ý tưởng nghèo nàn. Một ý kiến thu hút sự quan tâm của nhiều tài khoản: “Tại sao Bắc Đẩu từ đấng nam nhi, lại bị biến thành Cô Đẩu?”. Vị này đòi trả lại đúng Bắc Đẩu trong truyền thuyết.
Chưa cần NSND Công Lý lên tiếng thì một khán giả đã bảo vệ Cô Đẩu: “Chỉ là chương trình hài cuối năm thôi. Các nhân vật đều là hư cấu, chứ không phải lấy khuôn mẫu từ truyền thuyết hay tiểu thuyết để dựng thành. Trả lại Bắc Đẩu trong truyền thuyết để làm gì?”.
Tài khoản đòi trả lại Bắc Đẩu của truyền thuyết liền đáp: Bản thân không ghét Táo quân, thậm chí còn hay xem nhưng không thích hài kiểu trai giả gái. Đến đây fan của “Táo quân” im lặng, chẳng còn gì để nói vì vị này đã đụng đến một vấn đề của sân khấu, phim ảnh Việt, chứ không chỉ riêng chương trình “Táo quân”.
Danh sách nam nghệ sĩ từng giả gái ở ta dài không hồi kết. Người từng tuyên bố ngưng giả gái như Hoài Linh vẫn không giữ được lời. Sau những ồn ào anh lại tiếp tục giả gái trên phim. Kết quả, hiệu ứng không như mong đợi. Còn có một Anh Đức tích cực giả gái. Người ta giả gái xinh còn Anh Đức chuyên giả gái xấu, xấu thậm tệ.
Kho tàng truyện thần thoại Việt Nam ghi lại, Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vị thần đứng cạnh Ngọc Hoàng, giữ sổ sách ghi chép những việc sinh tử, đầu thai của người trần. Họ vốn là hai anh em ruột sinh đôi từ một bà mẹ già nua hiếm muộn…
Biến Bắc Đẩu thành Cô Đẩu có vẻ không sai nhưng “đặc sản” đêm 30 cũng phải câu tiếng cười từ việc biến “thẳng” thành “cong” thì trách gì hiện tượng giả gái chưa bao giờ hạ nhiệt, khiến “thượng đế” lắc đầu?