Sao lại dành cho VAMC một “đặc ân” như vậy?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
TPO - "Tổ chức này tồn tại vô lý lắm. Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập, trong khi chưa biết hiệu quả hoạt động thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đấu giá tài sản chiều 14/9.  

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, tiêu cực, kẽ hở trong đấu giá tài sản là vấn đề rất lớn cần phải tính toán đến. Ông ví dụ khi đấu giá làm từ thiện thì thủ tục rất đơn giản gọn nhẹ nhưng hiệu quả lại cao, trong khi đó đấu thầu, đấu giá tài sản bình thường thì thủ tục rất nhiêu khê nhưng tiêu cực lại nhiều.

Theo ông Việt, một thực tế mà lâu nay nhiều doanh nghiệp èo uột, nhưng hồ sơ lại rất hoành tráng, rồi từ đó xuất hiện nhiều công ty ma. 

"Những vấn đề này ai chịu trách nhiệm? Ai kiểm soát? Luật chưa thể hiện được điều này. Đối với những doanh nghiệp khai gian, khi phát hiện ra thì phải cấm và xử lý nghiêm minh”, ông Việt nhấn mạnh, đồng thời cho rằng việc đấu thầu phải tránh được dàn xếp trong quá trình thực hiện.

“Nhiều khi luật bất thành văn, luật giang hồ còn nghiêm minh, chặt chẽ hơn luật chính thống. Tôi từng làm chủ đầu tư rồi, thấy lỗ hổng để lợi dụng rất lớn, nhân dân rất bức xúc”, ông Việt nói.

Chủ nhiệm Việt đề nghị, việc đấu giá tài sản làm sao phải lấy lợi ích của nhà nước là chủ yếu chứ không phải tổ chức, cá nhân nào đó. Các nước họ thường đặt lợi ích tổng thể lên trên hết, muốn lách không lách được, còn ở ta lách nhiều quá, bị lợi dụng nhiều quá, không để tảng băng lạnh cứ tồn tại triền miên như thế.

Nhiều ý kiến đề nghị những loại hình đấu giá khác, như đấu giá chứng khoán, tài sản nước ngoài, hay đấu giá từ thiện cần phải hết sức cân nhắc, không đưa vào luật này mà nên thực hiện theo các luật chuyên ngành. Đặc biệt đối với trung tâm mua bán nợ cần phải hết sức cân nhắc, không thể dành ưu ái đặc biệt đối với đơn vị này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các ngân hàng nợ xấu xong lập ra công ty Quản lý tài sản (VAMC) rồi mua lại, rồi bảo nợ xấu giảm là chưa chính xác. Bảo giảm nợ xấu ngân hàng A, B, C, rồi cuối cùng bỏ vào VAMC, trong khi đó đơn vị này chưa bán được.

“Giao cho VAMC tự mua bán nợ xấu không minh bạch, rõ ràng. Như vậy có đảm bảo tính khách quan không, khi để anh mua bán nợ tự đấu giá tài sản đó?... Tổ chức này tồn tại vô lý lắm. Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập, trong khi chưa biết hiệu quả hoạt động của đơn vị này thế nào”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc và phải báo cáo Quốc hội xem việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua đến đâu, chưa nên vội luật hóa VAMC.

Trước những ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng kết, chưa quy định bán nợ xấu, bán tài sản về VAMC vào dự thảo Luật đấu giá tài sản, đặc biệt khi nợ xấu đang được coi là "hiện tượng bất thường".

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.