Trớ trêu thay, cơ quan dự báo thời tiết cho hay, từ tối hôm nay - vừa đúng lúc kỳ thi kết thúc - nắng nóng sẽ chấm dứt, nhiệt độ giảm mạnh từ 5-7 độ, thời tiết mát mẻ trên cả nước. Như vậy, hàng triệu sĩ tử và người nhà của họ đã hứng trọn đợt nắng nóng kỷ lục hiếm thấy trong suốt kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh, kỳ thi quốc gia “2 trong 1” đầu tiên theo tinh thần đổi mới. Mọi ngóc ngách trên đường phố thủ đô, hơi nóng hầm hập, khô khốc quất vào mặt đến bỏng rát. Ngồi không đã khó huống chi lại phải ngồi trong phòng thi, phải căng đầu tư duy và động não ở mức độ cao nhất có thể.
Những vị công chức quen ngồi trong phòng máy lạnh mát rượi, chắc hẳn sẽ thấy cám cảnh cho các sĩ tử đang nhễ nhại mồ hôi ngồi làm bài trong những phòng thi nóng như thiêu đốt. Ngoài kia, người mẹ lam lũ thôn quê trải vội tấm ni lông nhàu nhĩ bên bờ tường trường thi, quay quắt vì nắng nóng lẫn âu lo, thấp thỏm chờ con…
Dân ta vốn hiếu học, cứ đến mùa thi là thu hút sự quan tâm, chăm sóc của cả xã hội, thậm chí theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, năm nay cả hệ thống chính trị cũng vào cuộc. Việc trọng như vậy, liên quan tới cả triệu thí sinh, cớ sao những người tổ chức không tính đến yếu tố thời tiết? Liệu những người xếp lịch thi có tham khảo ý kiến các chuyên gia khí tượng thủy văn trước khi quyết định ? Bởi theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nếu tổ chức kỳ thi vào giữa hoặc cuối tháng 7 xác suất gặp phải nắng nóng gay gắt sẽ thấp hơn. Ông Hải cho biết, thống kê thời tiết tháng 7 trong 30 năm trở lại đây cho thấy, đầu tháng 7 thường xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt.
Vẫn biết việc ấn định thời gian kỳ thi THPT Quốc gia còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên với ảnh hưởng không nhỏ của nắng nóng đến hàng triệu thí sinh và người nhà của họ như năm nay, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên tính tới yếu tố thời tiết như một tham số quan trọng trong việc ấn định thời gian của kỳ thi hệ trọng này.
Xưa nay trong dân chúng, hễ là việc trọng ít nhiều đều có tính đến yếu tố thời tiết, huống chi việc lớn của xã hội liên quan tới cả triệu sĩ tử như kỳ thi quốc gia, lẽ nào không tính?