Muốn đánh giá về sự cần thiết của "Sao đỏ" thì phải nhìn rộng khắp vùng miền, xem xét bối cảnh, đặt vào từng hoàn cảnh giáo dục cụ thể.
Chúng ta có thể nhìn nhận về "Sao đỏ" bằng nhiều góc độ nhưng không nên phán xét mà hãy nhìn nhận thực thể ấy như một phần trong giáo dục. Có thể nó thuộc về lịch sử, cũng có thể "Sao đỏ" tiếp tục được phát triển và điều chỉnh trong xu hướng phát triển năng lực và sự tự chủ hay tự giáo dục của học sinh (HS)... Điều quan trọng, đây cũng chỉ là sản phẩm của người lớn nên xin đừng phán xét, giẫm đạp lên sự nhiệt tình của những "Sao đỏ" đúng mực.
Nhìn theo chiều kích mới
Các trường từ bậc tiểu học đến THCS hiện nay đều có đội "Sao đỏ" (có nơi gọi là "Cờ đỏ"). Nhiệm vụ của đội "Sao đỏ" là quan sát, theo dõi mọi hoạt động của lớp, của HS - cả những điều thực hiện tốt và những tồn tại, thiếu sót.
Theo cách thức tổ chức chung, vào đầu năm học, HS khối 4, 5 ở trường tiểu học và khối 6 đến khối 9 ở trường THCS được tuyển chọn vào đội "Sao đỏ" của trường, cùng đồng hành với hoạt động giáo dục. "Sao đỏ" được xây dựng bởi tổng phụ trách (TPT) là chủ yếu. Việc "Sao đỏ" hoạt động ra sao sẽ do TPT, ban giám hiệu (BGH) định hướng.
"Sao đỏ" được quy định một số yêu cầu: Không được tự động rời bỏ vị trí hoặc đi lại tự do trong lớp gây mất tập trung; các đội viên có sổ ghi chép rõ ràng, cuối buổi bàn giao về cho TPT hoặc BGH để biết các thông tin cụ thể xảy ra trong ngày; đội "Sao đỏ" phải biết cách xử lý những tình huống mâu thuẫn nhỏ có khả năng giải quyết được; mâu thuẫn lớn phải kịp thời báo cáo TPT hoặc BGH để có biện pháp xử lý kịp thời...
Về cơ bản, sự có mặt của đội "Sao đỏ" không có gì sai. Tuy nhiên, cách làm của một số trường hiện nay vô tình làm mất dần đi mặt tốt, mặt tích cực khi mọi chuyện đều gắn vào việc trừ điểm và cộng điểm - một dạng của bệnh thành tích. Đã có quy định về một số hoạt động của "Sao đỏ", việc "Sao đỏ" làm "lố" hay làm "quá" là do nhiều phía. Có thể do phụ huynh mong mỏi con trở thành thủ lĩnh. Cũng có thể là nhà trường và giáo viên (GV) trưng dụng "Sao đỏ" một cách quá đáng. Cũng có thể do HS mong muốn được thể hiện mình.
"Sao đỏ" cũng chỉ là… sao đỏ
Muốn đánh giá về sự cần thiết của "Sao đỏ" thì phải nhìn rộng khắp vùng miền, xem xét bối cảnh, đặt vào trong từng hoàn cảnh giáo dục cụ thể.
Nếu môi trường giáo dục có ít HS, mỗi lớp sĩ số HS vừa phải, mỗi em có thể tự chủ, tự điều chỉnh và phụ huynh dõi theo từng biểu hiện của HS thì GV không quá căng thẳng, áp lực.
Song song đó, nếu GV nhận thức đúng và đủ về trách nhiệm giáo dục, đừng quá nôn nóng để hướng đến sự hoàn thiện của HS, đồng hành và trở thành điểm tựa để các em dần hoàn thiện từng biểu hiện trong nhân cách, nâng cao năng lực của bản thân theo thời gian... thì vấn đề sẽ không trở thành gánh nặng.
Ngược lại, với những trường có quá đông HS với biên chế vài chục lớp, không có lực lượng chuyên viên giáo dục, chuyên viên tư vấn học đường, chuyên viên công tác xã hội học đường... mà cũng không có đội "Sao đỏ" thì sẽ rất khó khăn cho GV trong việc quản lý HS. Quan trọng là nhà trường đặt ra nhiệm vụ vừa sức với "Sao đỏ", không trưng dụng các em theo mục tiêu "sức mạnh", biến các em thành bảo vệ, "cảnh sát chìm" hay người phán xét thì với trách nhiệm của mình, các em sẽ tự rèn luyện, đóng góp cho việc xây dựng môi trường giáo dục.
"Sao đỏ" cũng chỉ là… sao đỏ, không phải là sao nổi bật hay sao uy quyền, cũng không phải chỉ là băng đỏ đeo trên cánh tay... mà là vì các em gương mẫu trong trường học hoặc muốn phát triển bản thân gương mẫu, tuân thủ kỷ luật giáo dục của nhà trường, phấn đấu hết sức để hoàn thiện mình. Vì vậy, thay vì giao việc, chỉ cho các em cách theo dõi, quan sát, điều tra tìm ra lỗi sai để phạt các bạn, hãy bắt đầu bằng một gợi ý đội viên "Sao đỏ" phải gương mẫu và thật hòa nhã; trang bị cho các em những kỹ năng giúp đỡ, động viên, chia sẻ với bạn; rèn kỹ năng trao đổi với thầy cô về những tồn tại của HS trong trường, lớp bằng các nhận xét chân tình. Việc chúng ta làm cho "Sao đỏ" già đi, "đanh" hơn là lỗi của chính chúng ta, không phải là lỗi của các em.
Hãy trả lại đúng vai trò, chức năng của “Sao đỏ”; giúp các em làm vừa sức, đúng sự hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học sinh.
Theo Theo Người lao động