> Mai-cồ… tôm
> Nghệ sĩ đến già vẫn đi lo gạo
Rocker Sài Gòn
Linh “xù”, một tay chơi nhạc rock kỳ cựu, nói với tôi rằng khác với miền Bắc, trước năm 1975 nhạc rock du nhập và phát triển rất mạnh ở Sài Gòn. Khi đó người ta nhìn nhạc rock nói chung với cặp mắt đầy thiện cảm. Rocker là những con người yêu chuộng tự do, hòa bình, với những bài ca phản chiến rung động lòng người.
Hình ảnh của những nghệ sĩ phản chiến một thời được ban nhạc UnlimiteD tái hiện với ca sĩ tóc dài Phạm Viết Thanh và cây guitar bass Lâm Thanh Phương trong ca khúc của Trịnh Công Sơn “Nối vòng tay lớn” được những người yêu nhạc rock Sài Gòn tán thưởng.
Hồ Quang Hưng, một nhà phê bình nhạc rock, nói: “Nhạc rock TPHCM là nơi tập hợp của cộng đồng say mê âm nhạc từ nhiều trường đại học như kiến trúc, xây dựng, ngoại ngữ, luật, sư phạm…”. Họ còn được bổ sung lực lượng đáng kể từ cộng đồng sinh viên du học trở về, như Hồ Quang Hưng trở về từ Đức, Huỳnh Tuấn Anh từ Pháp, Hải Đăng từ Thái Lan, Lê Hồng Kim Lân từ Úc…
Một thống kê cho biết Sài Gòn có khoảng 25 ban nhạc rock, chiếm 50% số ban nhạc rock trên toàn Việt Nam.
Những năm đổi mới, nhạc rock Sài Gòn rất phát triển, là đầu tàu dẫn dắt nhạc rock cả nước. Các ban nhạc Da Vàng, Đen Trắng, Buổi Sáng, Tia Chớp, Hạc Kim Atomega, Horizon, Sagometal, Đại Dương, Ba Con Mèo … để lại ấn tượng sâu đậm trong công chúng. Nhưng theo Hồ Quang Hưng “nếu có sân khấu để tiếp cận được với đông đảo công chúng, các ban nhạc rock trẻ của TPHCM hôm nay sẽ cho thấy họ không hề thua kém các bậc đàn anh trước đây”.
Ban nhạc UnlimiteD (Không giới hạn) chẳng hạn, giọng ca Viết Thanh được đánh giá là một trong những giọng hát rock hàng đầu hiện nay, đóng góp lớn trong việc ban nhạc giành danh hiệu ban nhạc xuất sắc nhất trong liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc (Superband 2007) do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Cây guitar của nhóm, Tuyên Đức cũng giành giải cây guitar xuất sắc nhất.
Microwave (Lò vi sóng) là ban nhạc rock trẻ và mạnh mẽ được sáng lập năm 2001. Họ là một ban nhạc rock đúng nghĩa với việc tự sáng tác, phối khí, thậm chí tự thu âm và phát hành. Ca khúc “Tìm lại” của nhóm là ca khúc được yêu thích nhất trong năm 2006 trên mạng Xone FM VOV3. UnlimiteD và Microwave cho thấy lớp trẻ của TPHCM hiện nay không hề thua kém các bậc đàn anh danh tiếng một thời như Đen Trắng, Da Vàng. Cái họ thua kém đó chính là một sân khấu dành riêng cho họ.
Giấc mơ... sống được
Linh “xù”, thành viên nhóm rock “4 quả dừa” vốn tập hợp các thành viên từ nhiều ban nhạc rock nổi tiếng đã tan rã vào những năm 1990, nói: “Ngoại trừ thời đổi mới, khi nhạc rock tràn ngập trên truyền hình, báo chí, trên các sân khấu lớn nhỏ, thì anh em rock chúng tôi đều rất khó khăn trong việc tìm sân khấu cho mình”.
Từ năm 1986 đến nay, dù đổi mới đã đi được một thời gian không ngắn, nhưng dường như thị trường âm nhạc vẫn chẳng mấy đổi thay. Hầu như không có các chương trình biểu diễn dành cho nhạc rock. Các ban nhạc rock trẻ của Sài Gòn đang đứng trước thử thách giống như thế hệ Linh “xù” sau đổi mới: Làm sao sống được bằng âm nhạc?
Trách Ngọc Lĩnh, một trong hai thành viên sáng lập ra ban nhạc Microwave đã rời bỏ ban nhạc để đi làm trong một công ty dầu khí ở Vũng Tàu, Lĩnh nói với tôi: “Công việc của em hiện giờ chẳng liên quan gì đến âm nhạc”.
Ban nhạc Unlimited cũng thiếu điểm diễn Ảnh: T.N.A. |
Dẫu sau thì Microwave vẫn còn là một trong số cực kỳ ít ỏi các ban nhạc rock thỉnh thoảng vẫn nhận được lời mời biểu diễn ở sân khấu lớn, trong các sự kiện thu hút giới trẻ (giới trẻ Việt Nam chiếm số đông trong cơ cấu dân số, nhưng tiếc thay lại không phải là những khách hàng sộp hấp dẫn các nhà tài trợ và các công ty thương mại!). Các bài hát nhạc rock bao giờ cũng chiếm số lượng người nghe khổng lồ, nhưng là nghe và tải …miễn phí trên mạng, hoặc là lượng khán giả khổng lồ nhưng giá vé tối thiểu trong các chương trình biểu diễn dành cho sinh viên!
Khi giới trẻ Việt Nam vẫn là giới thuộc vào thành phần nghèo nhất của đất nước thì việc các ban nhạc rock thần tượng của họ dần dần tan rã là điều dễ hiểu. Giới trẻ đã không nuôi sống được các thần tượng của mình. Phần nhiều các ban nhạc rock trẻ đang chuyển sang các thể loại khác, đệm hát cho các ca sĩ nhạc pop, hoặc kiếm sống trong… phòng trà.
Lê Hồng Kim Lân, chủ phòng trà Yoko, được anh em chơi nhạc rock gọi là ân nhân vì tạo sân diễn cho hàng chục ban nhạc rock hàng tuần. Nhưng Kim Lân tỏ ra mệt mỏi: “Các ban nhạc rock tự sáng tác, phối khí, biểu diễn trực tiếp và không bao giờ hát nhép, nhưng họ lại không hút khách hàng bằng các ca sĩ giọng hát không ra gì nhưng nổi tiếng nhờ sự cố tụt áo váy hay hát nhái lộ liễu nhạc Hàn Quốc”. Kim Lân cho biết dù mỗi đêm một ban nhạc rock khác nhau, nhưng “có những tuần khách rất thưa thớt”.
Tiến Trung, tay trống rock nổi tiếng và cũng là giọng hát rock được yêu thích, mới lập gia đình. Tiến Trung nói với tôi: “Biểu diễn ở sân khấu nhỏ như phòng trà rất mệt mà thu nhập mỗi đêm chỉ 300 -500 ngàn đồng”. Những ban nhạc rock tiếng tăm trong thành phố phải cật lực mới có thể kiếm được 3-4 suất diễn mỗi tuần trong các phòng trà.
Hồ Quang Hưng nói: “Cộng đồng rock Việt đã mạnh dạn nói lên những góc khuất của cuộc sống. Ví dụ Atmosphere viết về nạn đào đường có tên là “Đào tôi”. Các vấn đề ma túy, mại dâm… trăn trở của tuổi trẻ trước cuộc sống đổi thay ví dụ bài “Vòng xoay” của Tina Tình”. Nhưng để nhạc rock phát triển, theo Hưng: “Cần một xã hội cởi mở, hướng đến giới trẻ hơn nữa”.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người đã từ bỏ nhạc rock để ở nhà làm nhạc phim, dẫn chương trình trò chơi truyền hình, nói: “Những chuyện nhỏ nhất của các ca sĩ nhạc pop cũng được đưa lên báo ngay lập tức. Nhưng mở ti vi ra chẳng mấy khi thấy có bóng nghệ sĩ nhạc rock!”.
Theo Lê Hồng Kim Lân, việc diễn rock trong phòng trà với âm thanh hạn chế, khán giả ít ỏi, không khí cũng khá trầm, hoàn toàn không phải là điều kiện lý tưởng cho nhạc rock. Đặc trưng của rock là náo nhiệt, bốc lửa, là sự giao hòa giữa người nghệ sĩ và khán giả. Có lẽ chặng đường đưa nhạc rock, dòng nhạc được giới trẻ hâm mộ với hàng vạn khán giả kín sân vận động trong chương trình Rock Storm, đến với đời sống âm nhạc hàng đêm, vẫn còn cần thêm thời gian!
Các ban nhạc rock tự sáng tác, phối khí, biểu diễn trực tiếp và không bao giờ hát nhép, nhưng họ lại không hút khách hàng bằng các ca sĩ giọng hát không ra gì nhưng nổi tiếng nhờ sự cố tụt áo váy hay hát nhái lộ liễu”. |