Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: "Việc chuyển giao bắt buộc trước mắt là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Trong tương lai, để tiến tới đích hợp nhất, sáp nhập hay tái cổ phần hoá, cần giữ cố định mô hình ngân hàng mẹ con một chủ". 

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

11/04/2025 09:35

Lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến nhiều đợt tái cơ cấu

Ông Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập Báo Tiền Phong:

Trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua những giai đoạn quan trọng với nhiều nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước đã công bố và hoàn tất chuyển giao bắt buộc đối với một số ngân hàng, đồng thời tích cực tìm kiếm nhà đầu tư cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Báo Tiền Phong nhận thấy vai trò thiết yếu của việc tạo ra một diễn đàn chuyên sâu - nơi các bên liên quan có thể cùng nhau nhìn nhận, đánh giá và đề xuất những giải pháp tối ưu cho quá trình này.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 1

Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

Lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến nhiều đợt tái cơ cấu với những thành công và cả bài học kinh nghiệm sâu sắc. Việc nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng những tiền lệ này là vô cùng quan trọng để chúng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn, hiệu quả cho giai đoạn hiện tại. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là giúp các ngân hàng yếu kém vượt qua khó khăn, mà còn là xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng vững mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Với tinh thần đó, chúng tôi kỳ vọng Hội thảo "Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" trở thành cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 2

Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu, diễn giả tham dự hội thảo.

Chúng tôi tin rằng thông qua những chia sẻ, thảo luận sâu sắc từ các chuyên gia, chúng ta có được góc nhìn đa chiều, phân tích sắc bén và kiến nghị giá trị, giải pháp tối ưu để tìm ra để tìm ra mô hình tối ưu cho các nhà hoạch định chính sách nhằm tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch: Đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và khắc phục hậu quả tài chính, giúp Nhà nước thu hồi tài sản thất thoát, củng cố, phát triển niềm tin của các nhà đầu tư và đối tác quốc tế về năng lực điều hành chính sách kinh tế tài chính của nhà nước.

11/04/2025 09:46

Thương vụ tái cơ cấu 3 ngân hàng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu:

Năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).

Sau tái cơ cấu, 10 năm sau tổng tài sản SCB đạt 673.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng tính đến 30/9/2021, với 239 điểm giao dịch, SCB có mạng lưới phủ rộng khắp 28 tỉnh/thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 3

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về thương vụ tái cơ cấu thất bại trong lịch sử ngành ngân hàng tại hội thảo.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất ngờ khi các cơ quan điều tra phát hiện SCB đã trở thành một công cụ tài chính phục vụ bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đưa đến một vụ án lớn chưa tùng có trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam. Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng SCB, Ficombank và Tin Nghia Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành NH cận đại.

Với 4 ngân hàng 0 đồng, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, Xây Dựng, GPBank. Sau đó Ngân hàng Đông Á cũng được NHNN mua lại và nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng".

Trước khi 3 ngân hàng này được NHNN mua lại với giá 0 đồng, chính tôi đã được mời về tham gia HĐQT của Ocean Bank và sau đó tham gia ban điều hành của Ngân hàng Xây dựng. Nhưng khi tôi về các ngân hàng này thì tình thế không còn có thể cứu vãn. Cả Ocean Bank và NH Xây dựng đã lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng vì cho vay các công ty sân sau, vốn chủ sở hữu đã âm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhưng sau 10 năm (đến năm 2024), cả 4 ngân hàng vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được.

11/04/2025 09:56

Chuyển giao ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu:

Sau khi Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2024 thì chuyển giao bắt buộc NH thương mại được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, NH Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; NH Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam; GPBank được giao cho VPBank thực hiện tái cơ cấu nhưng hình như chưa đổi tên.

Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank Ngoài 4 NH 0 đồng, còn SCB đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt. Hiện nay, 4 NH đã được chuyển giao đang hoạt động ra sao, tôi chưa có tin tức cụ thể, chỉ biết họ đã đổi tên, thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 4

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thông tin về việc mở thủ tục phá sản ngân hàng tại Mỹ.

Ở Mỹ, việc mở tục phá sản NH là chuyện thường xuyên. Việc sáp nhập và tái cơ cấu các NH hoạt động tại Mỹ được thực hiện dưới sự quan sát và kiểm soát của các cơ quan quản lý liên bang và tiểu bang. Trong đó, bao gồm FED, FDIC, OCC (Cơ quan tổng kiểm soát tiền tệ), các cơ quan quản lý các định chế tài chính tiểu bang.

Việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém tại Mỹ thường được thực hiện qua một quá trình sau: Khi thanh tra một NH và xác nhận hệ số CAR của NH này tụt dưới mức 3% thì các cơ quan thanh tra sẽ phát hành lệnh C&D (Cease and desist order) và cho NH một thời gian khoảng 3-6 tháng để bổ sung vốn. Sau thời gian này nếu vốn chủ sở hữu không được bổ sung đến mức 8% CAR thì FDIC sẽ chuẩn bị tiếp quản bất cứ lúc nào. Sau khi tiếp quản, FDIC sẽ bán NH này cho một NH khác nếu có NH muốn mua toàn phần hoặc từng phần. Nếu không có ai mua, FDIC sẽ ra tòa xin mở thủ tục phá sản.

Việc mở thủ tục phá sản NH là chuyện thường xuyên ở Mỹ để loại bỏ những ngân hàng yếu kém. Trong năm 2023, ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank (SB) tuyên bố phá sản.

11/04/2025 10:13

"Chuyển giao bắt buộc đã có trong luật"

- Ông có thể cho biết cơ sở pháp lý của việc “chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại ngân hàng thương mại?

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC:

“Chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại ngân hàng thương mại là một khái niệm đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, cuối năm 2024 mới được áp dụng lần đầu tiên trên thực tế. Có khá nhiều vấn đề pháp lý chung quanh việc hình thành, thực hiện và lý giải về mô hình này.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và 2010 trước kia, ngân hàng thương mại trong nước chỉ được tổ chức dưới mô hình công ty cổ phần, không tổ chức dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, ngoại trừ ngân hàng thương mại nhà nước.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 5

Luật sư Trương Thanh Đức.

Từ ngày 5/3 đến 7/7/2015, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng thương mại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (G.P Bank).

Trong giai đoạn đó, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng được xác định là mua cổ phần bắt buộc, không bảo đảm về cơ sở pháp lý và không xác định được là mua của ai. Tuy nhiên, việc “mua cổ phần bắt buộc” theo các quyết định trên chính là tiền đề, là “phiên bản” đầu tiên của mô hình “chuyển giao bắt buộc”.

- Nguyên nhân ra đời mô hình “chuyển giao bắt buộc”?

Ông Trương Thanh Đức: Khi ngân hàng rơi vào tình trạng không bảo đảm các yêu cầu về an toàn và chất lượng hoạt động thì có thể bị áp dụng biện pháp “can thiệp sớm”. Nếu sau khi đã được “can thiệp sớm” mà vẫn không khắc phục được thì sẽ bị đặt vảo tình trạng “kiểm soát đặc biệt”. Sau một thời gian đã được kiểm soát đặc biệt mà vẫn không khắc phục được thì sẽ bị phá sản hoặc “chuyển giao bắt buộc”.

11/04/2025 10:29

Để tái cơ cấu ngân hàng vốn phải đảm bảo 3.000 tỷ đồng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tái cơ cấu ngân hàng trên cơ sở phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại của Luật sửa đổi Luật tổ chức tín dụng 2024, có 4 ngân hàng đã được chuyển giao gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank.

Theo Điều 185 của Luật tổ chức tín dụng 2024, các điểm trong quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao như sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, Không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 6

Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, Tiến sĩ Hiếu cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3.000 tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con.

Quyền của cổ đông trong quyết đinh sáp nhập và theo dõi hoạt động của ngân hàng được sáp nhập. Sự quyết tâm và nhất trí của các cổ đông của ngân hàng mẹ trong việc hỗ trợ ngân hàng được sáp nhập. Quyền của đại chúng nhận thông tin định kỳ về tình hình hoạt động của ngân hàng được sáp nhập và vai trò của Công ty Bảo hiểm tiền gửi quốc gia trong sự giám sát các ngân hàng được sáp nhập.

11/04/2025 10:37

Bản chất chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng mới nhất

Luật sư Trương Thanh Đức:

Với quá trình “chuyển giao bắt buộc” đối với 4 ngân hàng OceanBank, CB, GPBank, DongA Bank, các ngân hàng trên được tổ chức dưới mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn thuộc sở hữu của 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Xét về bản chất, bốn ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” lần thứ hai.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 7

Luật sư Trương Thanh Đức.

Lý do dẫn đến ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” là có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (cổ đông không bán được).

Tuy nhiên, về pháp lý, vốn điều lệ không bao giờ là số âm (cổ đông phải bỏ thêm tiền ra mới bán được). Giá trị ngân hàng trên thực tế chưa chấm dứt có thể là rất thấp, nhưng cũng về pháp lý, tối thiểu cũng phải bằng một đơn vị tiền tệ, tức là một đồng, chứ không thể là số 0 và càng không thể là số âm.

Trên sổ sách kế toán, số vốn điều lệ tối thiểu cũng như tổng mệnh giá cổ phiếu tối thiểu cũng vẫn bằng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Mọi cổ đông ngân hàng vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu và cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng cũng vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không bị hủy bỏ.

Việc chuyển giao bắt buộc trước mắt là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Trong tương lai, để tiến tới đích hợp nhất, sáp nhập hay tái cổ phần hoá, cần giữ cố định mô hình ngân hàng mẹ con một chủ. Tốt nhất là không nên tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng.

11/04/2025 11:03

Thuật ngữ “ngân hàng 0 đồng” đang bị lạm dụng

PGS, TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM:

Thuật ngữ “Ngân hàng 0 đồng” đang bị lạm dụng. Thực chất, văn bản pháp luật không đề cập khái niệm trên.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 8

PGS, TS. Nguyễn Đức Trung.

Câu chuyện 0 đồng là các ngân hàng được tái cơ cấu 2 năm nhưng không đủ sức vực dậy, buộc phải xử lý. Ngân hàng của Mỹ, Trung Quốc thực hiện những việc tương tự. Mục đích cơ bản là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, có người đứng ra nhận trách nhiệm nếu người gửi muốn rút tiền, không chỉ ở việc giúp ngân hàng từ yếu kém mạnh lên lập tức.

- Ông bình luận gì về quan điểm tái cơ cấu ngân hàng không thành công?

PGS, TS. Nguyễn Đức Trung: Thành công là bảo vệ được người gửi tiền, trái lại gây nhiễu loạn xã hội. Đặt trường hợp vừa khỏi sốt xuất huyết, không ai chạy được đường dài. Nếu đang yếu mà phục hồi ngay thì rất khó. Đấy là điều không thể.

11/04/2025 11:15

Nguyên nhân ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam:

Quy mô khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) hiện có 35 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng 0 đồng, yếu kém và được kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tốt cho cạnh tranh, tốt cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tốt cho người gửi tiền; tuy nhiên cũng rất thách thức cho việc quản lý, đảm bảo hoạt động an toàn bởi trong lĩnh vực ngân hàng thì rủi ro, thất bại thị trường rất lớn.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 9

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam.

Tính từ năm 2010, hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng từ 10-15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là cơ sở để chúng ta tái cấu trúc ngân hàng.

Nhìn vào lịch sử tái cơ cấu những ngân hàng thương mại yếu kém từ năm 2011 đến nay, có các hình thức tái cơ cấu như: Sáp nhập, hợp nhất, tham gia của nhà đầu tư mới, chuyển giao bắt buộc.

Nguyên nhân làm ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém: Ngân hàng bị thao túng bởi một nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu lớn để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua cấu trúc sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo giúp vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn. Ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong “hệ sinh thái” không có hiệu quả và tín dụng trở thành nợ xấu. Từ đó, các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu (hợp nhất, sáp nhập).

Các bài học chính sách trong tái cơ cấu NHTM gồm:

Ngân hàng Trung ương đóng vai trò “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống. Tái cơ cấu phải dùng nguồn lực tài chính thực (từ nhà nước và/ hay từ nhà đầu tư tư nhân mới).

Tái cơ cấu phải đi cùng với thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo.

Cần một hệ thống thanh tra/ giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán (tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn).

11/04/2025 11:19

Cần xem xét ở nhiều góc độ

- Tiêu chí đánh giá phân loại các ngân hàng yếu kém là gì? Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của tiêu chí giá trị tài sản đảm bảo? Ảnh hưởng của nó với sự thành công của việc tái cơ cấu ngân hàng?

PGS, TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Việc tái cơ cấu ngân hàng thành công hay không trong 10 năm qua cần xem xét ở nhiều góc độ. Theo tôi, khi tái cơ cấu ngân hàng bảo vệ được người gửi tiền, không có cuộc xung đột nào với người gửi tiền. Điều đó chứng tỏ việc tái cơ cấu ngân hàng đã thành công.

11/04/2025 11:32

Nhiều băn khoăn về hành lang pháp lý

Nhà báo Phùng Công Sưởng:

Qua các báo cáo tham luận, tôi thấy còn rất nhiều điều băn khoăn về hành lang pháp lý trong việc cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đây là cuộc hội thảo nên chúng ta hoan hỉ tiếp nhận các ý kiến khác nhau bởi vì chân lý là quá trình va đập để đi tìm ra và không ai có thể khẳng định là mình đúng.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 10

Nhà báo Phùng Công Sưởng.

Hội thảo của chúng ta đưa ra các vấn đề mang tính cởi mở nên mong nhận được các ý kiến trên tinh thần xây dựng. Room tín dụng của chúng ta năm 2025 tối đa là 16%, lúc đầu tôi có suy nghĩ rằng đây là một mệnh lệnh hành chính của ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên qua chia sẻ của các chuyên gia thì tôi thấy rằng vấn đề trên được tính toán bằng các thuật toán khoa học khách quan để đảm bảo là vừa phát triển đủ cái tín dụng để phát triển vừa kiềm chế lạm phát.

Những cổ đông có quyền chi phối quyền kiểm soát thì phải có một là năng lực, thứ hai phải rất là có tâm nếu không sẽ dẫn đến sự bất ổn.

11/04/2025 11:50

Bản chất của chuyển giao là sở hữu cổ phần

- Các điều kiện của ngân hàng mẹ để nhận chuyển giao bắt buộc thành công, nhưng luật Các tổ chức tín dụng 2024 cho phép các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng (có thể là doanh nghiệp, pháp nhân khác) được nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Mời các đại biểu tranh luận về vấn đề này!

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu:

Chuyển giao bắt buộc không phải là giải pháp. Thực chất, Việt Nam đã chuyển giao bắt buộc cách đây 10 năm, ngôn ngữ dân gian là mua ngân hàng với giá 0 đồng. “Lần thứ 2 lại chuyển giao bắt buộc, nhưng chúng ta không có thông tin gì về các ngân hàng mới, họ làm ăn ra sao, vốn chủ sở hữu của họ như thế nào... Khách hàng của các ngân hàng được chuyển giao sẽ có sự rủi ro rất lớn, tiền gửi của khách hàng đang được công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia bảo hiểm nhưng ở mức rất thấp.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 11

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Đề nghị ngân hàng mẹ nên bảo lãnh tất cả tiền gửi của các ngân hàng con. Khi đó, khách hàng sẽ yên tâm vì tiền gửi của họ được đảm bảo. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước phải minh bạch thông tin về tình hình “sức khỏe tài chính” của các ngân hàng trên website.

Về nguyên nhân dẫn đến tái cấu trúc ngân hàng, vấn đề lợi ích nhóm là tác động lớn lao nhất, nhất là nhóm lợi ích bất động sản, dù nhóm này có năng lực nhiều nhất. Hầu hết vụ án liên quan đến ngân hàng đều liên quan đến bất động sản. Bất động sản tạo nên nhiều hệ lụy trong hệ thống ngân hàng.

Cơ quan quản lý cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hơn nhóm lợi ích bất động sản. Trong quá khứ, từ Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… cho thấy bất động sản tạo nên rất nhiều hệ lụy. Cổ đông lớn của các ngân hàng là đại gia bất động sản.

Luật sư Trương Thanh Đức: Bản chất của chuyển giao là sở hữu cổ phần

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 12

Luật sư Trương Thanh Đức.

Tôi khẳng định, tiêu chuẩn nhân sự ngân hàng tại Việt Nam đều đủ điều kiện cả bằng cấp, kinh nghiệm, đạo đức. Về việc báo cáo của các ngân hàng nếu chậm trễ là không hợp lý.

Bản chất của ngân hàng 0 đồng mua là đúng nhưng bắt buộc là có vấn đề. Mua là pháp lý, chuyển giao bắt buộc chỉ là cách diễn đạt. Bản chất của vấn đề là việc sở hữu cổ phần. Muốn chuyển giao thì phải định đoạt bằng mua bán, tặng cho, thừa kế… Mua bắt buộc là cơ chế. Bắt buộc chuyển giao phải căn cứ trên hồ sơ, bản án đây là vấn đề mang tính pháp lý.

- Ngân hàng được mua lại 0 đồng nhưng không vực dậy được?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Cần có cơ chế để các ngân hàng tự nguyện chuyển giao. Các ngân hàng yếu kém phải tự đi tìm ngân hàng mẹ để thực hiện việc tái cơ cấu, nếu không được thì tạo điều kiện cho thực hiện làm thủ tục phá sản.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 13

Hội thảo thu hút rất đông khách mời trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Thực tế, các ngân hàng yếu kém được mua lại 0 đồng nhưng không vực dậy được, càng làm càng lỗ. Chúng ta đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì hãy để thị trường quyết định số phận các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

11/04/2025 11:58

Cần minh bạch, công bố báo cáo tài chính

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam:

Đào tạo đúng chuyên ngành ngân hàng ra làm lãnh đạo ngân hàng cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Từ thực tế, nhiều người học kỹ thuật vẫn có thể làm kinh doanh rất tốt.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 14

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Cần có sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tất cả Ngân hàng thương mại cổ phần nếu không niêm yết thì phải công bố báo cáo tài chính định kỳ, trừ các ngân hàng liên doanh nước ngoài thì không công bố. Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng yếu kém cũng không công bố báo cáo tài chính. Tôi cho rằng các ngân hàng cần minh bạch, công bố báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch bởi muốn giấu thì người ta cũng biết.

11/04/2025 12:03

Quy chuẩn trình độ các CEO ngân hàng

- Nhà báo Phùng Công Sưởng:

Khi tái cấu trúc các ngân hàng, làm thế nào để đánh giá các tài sản vô hình và vị thế của những người có năng lực, có trí tuệ chứng minh được họ thành vật chất để họ có quyền kiểm soát và điều hành các ngân hàng? Rõ ràng, các ngân hàng yếu kém nếu vào tay một người rất giỏi thì đó là một nguồn lực để tái cấu trúc thành công; cũng có thể những ngân hàng yếu kém vào tay những người rất nhiều tiền nhưng chất lượng trí thức, hiểu biết hạn chế khiến tiền mất đi. Vậy hành lang pháp lý của mình có dám thừa nhận việc đó không, đã có sàn nào giao dịch các ý tưởng trở thành hàng hóa không, khẳng định vai trò của những người như vậy?

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 15

Nhà báo Phùng Công Sưởng trao đổi với các diễn giả.

- PGS, TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng: Thực ra, hành lang pháp lý đã có quy định những chuẩn trình độ với cả CEO của ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Một câu chuyện đặt ra là khi trở thành cổ đông tham gia là những người có năng lực, hiểu biết rõ về ngành ngân hàng, nghề ngân hàng. Làm thế nào để quy chuẩn được nó, ý tưởng rất hay là có sàn ý tưởng đánh giá điều đó là tuyệt vời.

Khi chưa có được điều đó, có lẽ bắt buộc phải quay về vấn đề bằng cấp thực chất, phải có bằng tối thiểu nào đó ở đại học trong lĩnh vực đó. Việc được đào tạo bài bản rất quan trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, bởi nếu không được đào tạo bài bản thì rất dễ bị lạc hướng, nhất là khi ở vị trí lãnh đạo cấp cao ở các ngân hàng. Bởi vì lúc đó có rất nhiều người tham mưu cho mình nhưng nếu không biết lựa chọn đúng khi không có được một phông nền tảng chuẩn. Ở đây tôi nghĩ nên có quy định là phải tham gia các lớp thuần quản lý do Ngân hàng Trung ương tổ chức.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 16

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng Nguyễn Đức Trung.

Có một câu chuyện thú vị nữa là khi một người muốn lên làm tổng giám đốc một ngân hàng thì buộc phải trải qua vị trí quản lý nhà nước tại ngân hàng trung ương để tránh việc “lên” không có người giám sát. Việc này nhằm để ngân hàng nhà nước đánh giá năng lực của người này, có đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm để đảm nhiệm hay không thì mới đảm bảo sự an toàn tối đa.

11/04/2025 12:06

Tái cấu trúc phải có tính bắt buộc

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam:

Trong vấn đề tái cấu trúc phải có tính chất bắt buộc bởi vì bên bị thâu tóm chẳng bao giờ chịu tự nguyện. Ngân hàng bị thâu tóm không chấp nhận đơn vị khác tiếp nhận mà không trả tiền, nhưng trên thực tế tài chính ngân hàng đã bị âm. Tuy nhiên, vấn đề này nếu không chuyển giao mang tính tự nguyện thì nhà nước sẽ bắt buộc phá sản.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 17

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam.

Các ngân hàng sau khi được chuyển giao bắt buộc xong sẽ đổi tên, đó là thực trạng đang diễn ra ở hàng loạt các ngân hàng. Đây là hình thức chuyển đổi ngân hàng số mà không xóa sổ giấy phép ngân hàng. Đây là kinh nghiệm Indonesia đã làm. Động thái chuyển ngân hàng số cho thấy giá trị thương hiệu của các ngân hàng không còn mà chỉ còn mỗi giá trị giấy phép, các khoản nợ xấu cũng đã mất vốn.

Làm sao để các ngân hàng số phát triển tốt thì cái lợi cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc là lãi suất của nhà nước thấp hơn sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng phát triển. Đây là giải pháp hỗ trợ của nhà nước.

11/04/2025 12:08

Rủi ro bảo mật thông tin ở ngân hàng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng số ở Việt Nam đang trong bước khởi đầu mong manh, gặp nhiều rủi ro về bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, nếu bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh của ngân hàng con không được hợp nhất với báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho đối tác, khách hàng gửi tiền.

11/04/2025 12:18

Tái cấu trúc ngân hàng là giải pháp toàn diện

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Ban Dự án chiến lược Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM:

Việc tái cơ cấu ngân hàng là một trong những giải pháp đã được cân đo đong đếm rất nhiều từ các bộ, ban, ngành nhằm đưa ra giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 18

Ông Nguyễn Quốc Tuấn.

Để thực hiện chuyển giao bắt buộc, tất cả ngân hàng tham gia đều có phương án cụ thể như tình hình tài chính, trách nhiệm của các bên tham gia, mức độ an toàn cho người gửi tiền. Tất cả phương án nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là để ngân hàng hoạt động bình thường, dựa trên phê duyệt theo đúng quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Trong quá trình tham gia, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có cân nhắc đến việc giải thể ngân hàng nhưng cân nhắc yếu tố nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội, cho nên đã lựa chọn phương án tối ưu là tái cấu trúc ngân hàng.

Quan điểm cá nhân tôi, với sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và các bên liên quan, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá tái cấu trúc ngân hàng là giải pháp toàn diện.

11/04/2025 12:23

Góc nhìn đa chiều và nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu

Bế mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia tại "Hội thảo: Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?".

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 19

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng.

Qua gần 4 giờ đồng hồ, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, lãnh đạo ngân hàng cùng thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam.

Hội thảo đã mang đến cho những góc nhìn đa chiều, phân tích sâu sắc về thách thức và cơ hội mà ngành ngân hàng đang đối mặt, đồng thời đưa ra những giải pháp tối ưu để giải cứu ngân hàng, ổn định thị trường, giúp người gửi tiền yên tâm… Tất cả nhằm góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo “ Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" do Báo Tiền Phong tổ chức, bắt đầu lúc 9h sáng nay (11/4), tại TPHCM. Hội thảo nhằm giúp nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra mô hình tối ưu để tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch.

Theo ban tổ chức, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước công bố và hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank, DongA Bank cho HDBank, OceanBank (nay là MBV) cho MB, CB (nay là VCBNeo) cho Vietcombank. Việc chuyển giao 4 ngân hàng GPBank, DongA Bank, OceanBank, CB được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, room tín dụng để mở rộng quy mô tài sản, dư nợ nhằm tạo động lực để các nhà băng này quyết liệt tham gia tái cấu trúc thành công các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thấy gì sau các thương vụ 'chuyển giao bắt buộc' ngân hàng? ảnh 22
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Với mục đích giúp nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra mô hình tối ưu để tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo: “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?”.

Hội thảo đón tiếp sự tham gia của các diễn giả: Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách Công, Đại học Fulbright Việt Nam; Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC; Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu; PGS, TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng.

MỚI - NÓNG
Ngắm 'hổ mang chúa' Su30-MK2 trên bầu trời TPHCM
Ngắm 'hổ mang chúa' Su30-MK2 trên bầu trời TPHCM
TPO - Tại bến Bạch Đằng, khoảng 8h10 tiếng động cơ ầm ào từ xa vọng lại. Từ hướng cầu Sài Gòn, đội hình trực thăng xuất hiện đầu tiên, mang theo những lá cờ đỏ phấp phới. Người dân đứng xem đông nghẹt dọc bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng ngước nhìn, hò reo đầy tự hào.
Bình luận