Tại buổi họp công tác chuẩn bị đón bão số 5 với 4 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn – Cao Đức Phát cho hay, bão đã mạnh lên, do vậy, tất cả tàu thuyền đi vào vùng tâm bão có thể bị nhấn chìm. Các địa phương phải kiên quyết cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi khi bão đổ bộ.
Đối với các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão phải tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão, thông tin cho nhân dân biết để phòng tránh. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng phải tăng thời lượng thông báo dày thêm để nhân dân biết (khoảng 1h/1 lần). Một số địa phương ven biển, phải hướng dẫn nhân dân sắp xếp tàu thuyền khi vào bờ, tránh thiệt hại ở bờ. Đối với nhà cửa, vùng ven biển có nhiều nhà mái tôn, phải chằng chéo, lấy bao cát đè lên.
Thông tin mới nhất từ TTKTTVTƯ, sáng mai bão sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Biển Đông.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện có hai phương án dự báo đường đi của cơn bão: Phương án thứ 1, Khi bão cách bờ biển Khánh Hòa, Bình Thuận khoảng 50-100km thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, với sức gió chỉ còn cấp 6-7. Vùng đổ bổ nhiều khả năng là ở Ninh Thuận. Gió mạnh trên đấy liền Khu vực vùng biển phía Nam tỉnh Bình Định, Khánh Hòa có thể có gió giật mạnh. Đây là phương án có khả năng nhất.
Phương án thứ 2, khi bão tiệm cận đến bờ suy yếu thành áp thấp không đổ bộ vào bờ và trôi xuống dọc vùng biển từ Bình Thuận đến Bến Tre và suy yếu thành một vùng áp thấp. Gió mạnh nhất vẫn ở vùng phía Bắc của cơn bão còn Khu vực phía Nam gió giật mạnh, lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 5-6.
Từ trưa mai, 11/12, đến hết ngày 13/12, từ Huế đến Ninh Thuận có mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa khoảng 200mm/đợt, trọng tâm mưa là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có nơi trên 200mm; ở Tây Nguyên lượng mưa từ 50-70mm có nơi trên 100mm; ở Nam Bộ có mưa, mưa vừa từ 30-60mm. Các sông từ Huế - Ninh Thuận có khả năng xuất một đợt hiện lũ trên các sông ở Quảng Nam, Phú Yên mức báo động 1-2; các sông từ Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận lên mức báo động 2-3.
Các tỉnh vùng núi Bình Định đến Khánh Hòa có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Vùng Biển từ Đà Nẵng – Vũng Tàu sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao hơn 5m.
Để ứng phó với bão số 5, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện tại từ Quân Khu 4 đến Quân Khu 9, Bộ Tư Lệnh Hải quân, Bộ Tư Lệnh Biên Phòng, Cảnh sát biển,… đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó. Tại các địa phương huy động 37.300 bộ đội, 216.164 dân quân, 3.726 phương tiện tham gia ứng phó bão. Lực lượng Hải quân cũng sẵn sàng lực lượng ra khu vực quần đảo Trường Sa và giàn DK1 cùng lực lượng Biên phòng các tỉnh cũng đã sẵn sàng. Bộ Quốc phòng thường trực 24/24 trong khi bão đổ bộ, chỉ đạo các tỉnh phải thông báo cho cho người dân chèo chống nhà cửa, mái tôn,…
Tính đến 16h ngày 10/12, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm được 41.207 phương tiện trên 173.111 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 9 tàu/89 lao động (8 tàu/82 lao động Quảng Ngãi, 1 tàu/7 lao động của Bình Định); Khu vực giữa Biển Đông còn 1 tàu BĐ96972/7 lao động đang được hướng dẫn tìm nơi trú bão khẩn cấp; Khu vực quần đảo Trường Sa có 163 tàu/2.369 lao động (Quảng Nam 53 tàu/744 lao động, Quảng Ngãi 53 tàu/824 lao động, Bình Định 13 tàu/91 lao động, Phú Yên 73 tàu/661 lao động, Khánh Hòa 5 tàu/42 lao động, Bình Thuận 1 tàu/7 lao động dự kiến đêm 10/12 vào bờ); Hoạt động ven bờ từ Ninh Thuận đến Kiên Giang 9.062 phương tiện/60.588 lao động; Ven bờ và các đảo có 28.187 lồng, bè, chòi canh thủy hải sản/7.818 người và 524 khách du lịch nước ngoài đang cư trú.
Hiện tại các hồ thủy lợi chứa từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận đạt khoảng 50-75% dung tích thiết kế, các hồ chứa ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đạt khoảng 80-90% dung tích thiết kế, một số hồ khác đang ở mức cao. Các hồ thủy điện khu vực Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên 16/17 hồ mức nước dâng bình thường, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ còn đang ở mức thấp.
Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại giao có Công điện gửi Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunay và Văn phòng hợp tác KTVH VN Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam được tránh, trú bão, lên bờ khi cần thiết.