Sáng 28/7, thêm 2.861 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM có 2.115 trường hợp

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 28/7, thêm 2.861 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM có 2.115 trường hợp
TPO - Sáng 28/7, Bộ Y tế cho biết có 2.861 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước (403 ca trong cộng đồng).

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1).

Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 28/7, có tổng cộng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người.

Trong ngày 27/7 có 258.077 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Bộ Y tế có Quyết định số 3588/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 16 (Bệnh viện Dã chiến số 16) tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh với quy mô 2.800 giường dự kiến sẽ nhận bệnh nhân từ ngày 28/7.

Nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của Thành phố như Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn.

Tỉnh Nghệ An phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa Minh An, huyện Quỳnh Lưu sau khi phát hiện hiện 2 nhân viên nhiễm COVID-19.

Tỉnh Quảng Bình kích hoạt Bệnh viện dã chiến Quảng Bình (thành lập tại Bệnh viện Y - Dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Chiều ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre. Đây là ngày thứ 9 các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo ngành y tế các tỉnh đều cho biết, trong thời gian qua số ca bệnh COVID- 19 đều gia tăng nhanh và các chùm ca bệnh đa số có yếu tố dịch tễ liên quan đến người trở về từ TP.HCM và lái xe đường dài do đó các địa phương đều “chú trọng khoanh vùng, giám sát dịch tễ các trường hợp này”.

TS Đăng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, chí trong thời gian ngắn số ca dương tính của 5 địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng “bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo”, bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu.

Các địa phương cần thường xuyên đánh giá nguy cơ của từng khu vực theo từng mức độ và phân loại để triển khai giải pháp chống dịch phù hợp. Đối với khu vực nguy cơ rất cao cần nhanh chóng tổ chức truy vết triệt để nhằm cách ly nguồn lây ra cộng đồng.

Đồng thời các địa phương cũng cần rà soát, chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất về cách ly.

“Cả khu giãn cách và cách ly đều cần phải tuân thủ quy định về thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Cần tiếp tục tăng công suất xét nghiệm và trả kết quả nhanh hơn. Tuy nhiên, trong xét nghiệm cần linh động huy động nhân lực từ khu vực nguy cơ thấp sang khu vực có nguy cơ cao lấy mẫu”- TS Đặng Quang Tấn nói.

Về đề nghị của một số tỉnh không dừng đột ngột thực hiện Chỉ thị 16, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay hiện nay có 3 chỉ thị 15, 16 và 19 theo từng mức giãn cách khác nhau đã được hướng dẫn cụ thể.

Về phòng chống dịch trong cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị phải tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn phong tỏa, phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm.

Trước dự báo số ca mắc có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trong đó, Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.

MỚI - NÓNG