Mở cửa bầu trời, nỗi lo mặt đất:

Sẵn sàng đón khách

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng không đã chính thức bỏ mọi hạn chế với bay quốc tế thường lệ, từ nay các hãng có thể bay tối đa theo nhu cầu, các hãng hàng không cho biết đã sẵn sàng và mong được sớm bay trở lại. Vấn đề còn lại là khách đâu để chở?

Chờ khách

Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chính thức thông báo, từ ngày 15/2, Việt Nam bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế. Từ nay, các hãng hàng không có thể khai thác tối đa các đường bay, tần suất bay quốc tế cả thường lệ và các hình thức khác như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Sẵn sàng đón khách ảnh 1

Từ ngày 15/2, Việt Nam khôi phục hoạt động bay quốc tế như trước khi có dịch COVID-19. Ảnh khách làm thủ tục bay quốc tế tại sân bay Nội Bài sáng 15/2 Ảnh: Trọng Tài

Vấn đề tồn tại hiện nay là các điều kiện với khách nhập cảnh và cách ly, giám sát y tế. Tại cuộc họp Chính phủ sáng 15/2, các bộ, ngành liên quan công bố lộ trình gỡ bỏ trước ngày 15/3. Muộn nhất ngày 15/3, hoạt động bay chở khách quốc tế đi/đến Việt Nam sẽ khôi phục như trước khi đại dịch xảy ra.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, cho rằng, việc bỏ giới hạn tần suất bay thường lệ quốc tế là bước rất quan trọng để các hãng chuẩn bị, nhưng chưa đủ. Việc tăng tần suất khai thác quốc tế được hay không phải phụ thuộc vào nhu cầu khách. “Giờ phải đợi lộ trình mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế, các điều kiện về khách được nhập cảnh có trở lại như trước khi có dịch không, các quy định về cách ly y tế. Khi các rào cản đó được gỡ bỏ sẽ tăng nhu cầu khách, đặc biệt khách du lịch, có khách các hãng mới tăng được tần suất bay”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, hiện chỉ mở cho công dân Việt Nam về nước, khách công vụ, học tập, chuyên gia… nên nhu cầu rất ít, các hãng muốn bay nhiều cũng không có khách.

Đại diện Vietnam Airlines dẫn chứng, từ tháng 1 tới nay, hầu hết các đường bay quốc tế thường lệ đã được nối lại như thời điểm trước dịch (trừ các đường bay với Trung Quốc đại lục), tần suất cho phép tối đa 10 chuyến khứ hồi/tuần hoặc cao hơn. Thực tế, các hãng của Việt Nam cũng chỉ khai thác mỗi đường bay 1-2 chuyến khứ hồi/tuần, với lượng khách rất ít. Hầu hết người Việt có nhu cầu về nước đã về giai đoạn trước Tết, nên sau Tết, khách về đã giảm mạnh. Còn khách người Việt về nước để tránh dịch hay mắc kẹt cơ bản không còn, vì tình hình dịch trong nước hiện cũng diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ ngày 17/1-7/2, Vietnam Airlines khai thác 192 chuyến bay chở khách quốc tế thường lệ, cung ứng hơn 47.000 ghế, nhưng chỉ bán được hơn 21.600 vé (bình quân mỗi chuyến chỉ bán được hơn 50% số vé).

Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cho biết, dù đường bay quốc tế thường lệ đã nối lại, thực tế số lượng hành khách đi/đến quốc tế thời gian qua rất thấp. Trung bình mỗi ngày sân bay này có khoảng 15-20 lượt chuyến bay chở khách quốc tế đi/đến, vận chuyển khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách, ngày đông nhất cũng chỉ 4.700 khách. Ngày 14/2 có 14 chuyến bay chở khách quốc tế với 729 lượt khách, trong đó chỉ có 224 khách quốc tế đến; ngày 15/2 có 23 chuyến bay quốc tế chở khách, trong đó chỉ 9 chuyến bay đến với hơn 700 khách nhập cảnh.

Các hãng đều sẵn sàng

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện các hãng hàng không, du lịch cho biết, rất mong Chính phủ sớm ban hành kế hoạch, lộ trình mở lại hoạt động đón khách quốc tế. Khi có kế hoạch mở cửa với khách quốc tế, không chỉ hàng không, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn mới có thể lên kế hoạch khai thác, tìm khách. Theo đại diện Vietnam Airlines, để sẵn sàng nhân lực, thời gian qua, hãng sắp xếp phi công, tiếp viên bay luân phiên nhằm duy trì năng định, bằng cấp, chứng chỉ, để không phải đào tạo lại. Tuy nhiên, có một số ít tiếp viên vẫn phải đào tạo bổ sung, từ nay tới đầu tháng 3 sẽ đảm bảo đủ điều kiện bay. “Theo quy định hiện hành, tổ bay quốc tế khi về nước sẽ thực hiện về cách ly tại nhà nên không có cản trở gì lớn. Hằng tuần, hãng cũng chủ động thực hiện xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên với tiếp viên và phi công để chủ động phòng chống dịch”, ông Tuấn nói.

Đại diện Vietjet cho hay, hiện hãng cũng có học viện đào tạo phi công, tiếp viên, nên chủ động trong vấn đề nhân sự cho khôi phục bay quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc thường trực Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ, hãng đã lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực khai thác các đường bay quốc tế thường lệ. Sau các đường bay tới Đông Bắc Á, từ cuối tháng 2 này, hãng sẽ mở đường bay mới tới châu Âu, Úc; từ tháng 3 sẽ thêm các đường bay tới một số nước Đông Nam Á.

Các hãng hàng không đều mong bộ, ngành liên quan, như Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hoá - Thể thao và Du lịch công bố lộ trình tháo gỡ các rào cản với khách quốc tế muốn tới Việt Nam làm ăn, du lịch, như: nối lại cấp thị thực nhập cảnh với khách quốc tế; áp dụng lại chính sách miễn thị thực như đã áp dụng trước khi dịch COVID-19 xảy ra; công nhận hộ chiếu vắc xin để khách từ Việt Nam đi và ngược lại không phải cách ly y tế; không hạn chế địa phương được đón khách du lịch quốc tế; bỏ quy định cách ly y tế với khách nhập cảnh; thống nhất gói bảo hiểm phòng chống dịch COVID-19, xét nghiệm, cài ứng dụng khai báo y tế…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng việc mở cửa đường bay quốc tế chỉ là điều kiện cần, phải thêm hai yếu tố hết sức quan trọng. Thứ nhất, là Chính phủ chính thức cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch, có hướng dẫn doanh nghiệp được làm gì khi mở cửa, khách tới phải đáp ứng những điều kiện gì... Thứ hai, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần trao đổi song phương với các thị trường về việc kiểm soát dịch bệnh cho khách du lịch, cụ thể là khi quay về không bị cách ly. “Như Hàn Quốc, Nhật Bản…, khách du lịch về lại nước vẫn phải cách ly. Chúng ta sẵn sàng đón và không cách ly, nhưng nước họ chưa sẵn sàng thì cũng rất khó”, ông phân tích.THANH TRẦN

Sân bay Vân Đồn đã sẵn sàng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), cho biết, hiện tại, sân bay vẫn đảm bảo quy trình đưa đón khách an toàn từ các chuyến bay nội địa. Đối với các chuyến bay quốc tế, sân bay cũng đã có sẵn quy trình chặt chẽ từ khi đại dịch vừa bùng phát. Theo ông Sáu, dựa trên những quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an..., sân bay sẽ cắt bớt một số quy trình trong quá trình đưa đón khách vì trước đây có quy định cách ly khi nhập cảnh nên không phù hợp với quy chế an toàn hiện nay. Riêng với nhân viên sân bay, vẫn giữ nguyên các quy định đảm bảo an toàn để phục vụ hành khách được tốt hơn.Hoàng Dương

MỚI - NÓNG