Sẵn sàng di dời hàng ngàn dân khỏi vùng sạt lở, lũ quét

Đoàn viên, thanh niên Yên Bái chủ động gia cố ven bờ luy vùng dễ sạt lở ở Mù Căng Chải
Đoàn viên, thanh niên Yên Bái chủ động gia cố ven bờ luy vùng dễ sạt lở ở Mù Căng Chải
TPO - Trước tình hình mưa lớn trên diện rộng đang phủ khắp Tây Bắc hậu bão số 3, tại Yên Bái, khoảng 400 hộ dân (2.000 người) nằm ở ven sông, khe suối thường gặp lũ lớn, đã được lên phương án di dời khẩn cấp. 

Giúp dân "chạy" bão

Thực hiện công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, các lực lượng phối hợp về khắp các thôn bản trực tiếp tham gia thu hoạch sản phẩm nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tổ chức chặt tỉa cành cây dọc các tuyến giao thông để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.

Với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh (hơn 2.000 người), Tỉnh Đoàn Yên Bái đã huy động tại chỗ nhân lực giúp dân kiên cố nhà cửa, di dời dân bản, vật nuôi, tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Mỗi Đoàn xã, Đoàn phường đều có một tổ, đội thanh niên tình nguyện xung kích tham gia.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 16/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường cho biết, đã bố trí lực lượng, chủ yếu là thanh niên, ở những vùng nguy hiểm nhất, trực canh gác ở các ngầm, tràn, đường qua suối, khu thôn bản gần khe suối hoặc khu dễ sạt lở, để hướng dẫn giao thông, cứu hộ cứu nạn khẩn cấp, nghiêm cấm hoạt động đánh bắt cá, đi vớt củi khi đang có lũ, cố gắng với nỗ lực cao nhất đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) đã được xây dựng và chuẩn bị đề phòng mưa lũ gây chia cắt các khu vực bằng kinh nghiệm của vùng cửa ngõ Tây Bắc thường phải hứng chịu thiên tai do hoàn lưu sau bão.

Di dân khỏi vùng nguy hiểm

Tại Lào Cai, Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo di dời toàn bộ tất cả số hộ dân thuộc vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt là gần 200 hộ ở 75 xã – đối tượng dân cư vùng phát sinh bổ sung năm 2014.

Tính đến tối 15/9, 367 hộ, và sáng 16/9, tiếp 200 hộ dân được di dời. Các doanh nghiệp đang thi công gần nơi thường có lũ quét cũng được giúp bảo đảm an toàn con người, phương tiện và công trình.

Các hồ đập đã được lên phương án tháo nước chứa, hạ mức nước, chủ động đón mưa lũ và vận hành đúng quy trình. Lúa mùa vùng cao đến mùa thu hoạch cũng được khẩn trương gặt hái với sự giúp sức của tuổi trẻ xung kích tình nguyện về khắp các thôn bản ngay từ sáng 16/9.

Tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết, tất cả các cơ sở Đoàn trực thuộc đã được huy động tối đa lực lượng đi tuyên truyền, di dời nhà dân khỏi nơi nguy hiểm.

Thanh niên trẻ lên đồi, núi cao giúp đỡ dân thu hoạch lúa nương và đưa dân về dưới bản (dân lập lán trông nương thường muốn ở lại trên núi).

Tuổi trẻ Lào Cai thành lập hàng trăm đội “phản ứng nhanh” ứng trực cứu hộ cứu nạn khi mưa lũ gây thiệt hại, trong đó tập trung tại các huyện thường xảy ra sạt lở, lũ quét nguy hiểm như Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát.

Gia cố nhà cửa

Huyện Tân Sơn, Phú Thọ cũng đã yêu cầu bắt buộc các nhà thầu đang thi công những công trình (nhà, đập, tràn, kè, đường giao thông…) phải khẩn cấp gia cố, buộc chặt, chống cột chủ động chống bão lũ.

Tại tất cả các thôn bản, đoạn đường liên xã, liên thôn có đập tràn, đảm bảo lực lượng ứng trực 100% với thời gian 24/24h, chủ động ngăn người cố tình qua lại khi lũ về.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, đã có phương án cho học sinh nghỉ học tại những trường, điểm trường có nguy cơ bị mưa lũ gây ngăn cách.

Tỉnh Đoàn Phú Thọ cũng cho biết, đã thành lập và huy động hơn 100 đội thanh niên xung kích về các xã thuộc những huyện dễ xảy ra sạt lở như Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn, Cẩm Khê, sẵn sàng giúp dân gia cố, chằng chống nhà cửa, di dời và cứu hộ cứu nạn khẩn cấp.

Dừng họp, chống bão

Hà Giang được dự báo sẽ có hậu quả lớn nếu công tác chuẩn bị ứng phó không kịp thời. Tỉnh chủ thông báo tất các các ban ngành, huyện, thị dừng ngay những cuộc họp không cần thiết để chủ động tập trung phòng, chống bão lũ.

Ủy ban tỉnh cho biết, đã di dời hầu hết các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn từ chiều 16/9, kiên quyết hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Từng thành viên Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão của tỉnh và huyện đã về tận các thôn bản tuyên truyền vận động, cùng lực lượng tại chỗ di dời dân vùng nguy cơ cao như ở Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Bình.

Bí thư tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết, đã huy động 30 đội thanh niên xung kích ứng trực ngay tại các xã từng bị bão lũ gây thiệt hại, sẵn sàng vào cuộc cứu hộ cứu nạn theo chiến thuật “phản ứng nhanh”.

Trước đó, các bạn trẻ đã cùng nhân dân vùng thường chịu lũ chuẩn bị, đóng thêm bè mảng để di chuyển ra ngoài khi gặp lũ.

MỚI - NÓNG