Bị tạm giam vẫn được bầu
Sau hội nghị hiệp thương lần ba, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 197 ứng cử viên tại trung ương được giới thiệu để cử tri bầu. Cùng với đó, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã lựa chọn được các ứng viên lọt vào “vòng chung kết”.
Điểm mới nhất trong lần bầu cử này là quy định người tạm giữ, tạm giam khi chưa bị kết án vẫn được tham gia bầu cử. Đây cũng là vấn đề được Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn giám sát bầu cử đề nghị các địa phương phải đặc biệt lưu ý, đảm bảo quyền công dân với đối tượng tạm giữ, tạm giam.
Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã thành lập một tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ngay tại trại tạm giam. Đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ rất khác nhau về trình độ văn hóa, khả năng nhận thức, thậm chí có người còn mù chữ, chưa thông thạo tiếng Việt nên việc tuyên truyền cho các đối tượng này không đơn giản.
Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên, Luật Bầu cử nghiêm cấm các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Bên cạnh đó, nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên phải xếp theo thứ tự A, B, C… Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Mặc dù vậy, các địa phương cũng quán triệt và lưu ý thực hiện việc bỏ phiếu đúng quy định, công bằng và dân chủ cho các đối tượng tạm giam, tạm giữ nhưng vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng công tác điều tra, phá án. Chuẩn bị cho ngày bầu cử, các địa phương đã lên kế hoạch, tuyên truyền bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại các khu công nghiệp, địa bàn tập trung nhiều sinh viên, học sinh. Ngoài ra tại các địa bàn khó khăn, phức tạp trong việc đi lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, yêu cầu đặt ra với các địa phương là phải tạo điều kiện tối đa để cử tri tham gia bầu cử, hạn chế tối đa tình trạng một người bầu thay cho cả nhà.
Trước khi bước vào ngày hội của toàn dân, trong giai đoạn này, Ủy ban Trung ướng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh sẽ phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5/2016).
Cử tri dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Tránh người được ưu ái, người bị thờ ơ
Trong quá trình bầu cử, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp vào thành công của bầu cử. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo tập trung, thống nhất đồng bộ vấn đề tuyên truyền bầu cử. Mục đích tuyên truyền nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn các đại biểu có đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các ứng viên có hai hình thức vận động bầu cử: Thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi được giới thiệu, đọc tiểu sử tóm tắt, từng ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu. Tại các hội nghị này, cả người ứng cử và cử tri sẽ được trao đổi một cách dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
Khi vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng, ứng viên cũng trình bày dự kiến chương trình hành động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đăng tải, thông tin chương trình hành động của ứng viên trên cơ sở bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các ứng cử viên. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người được ưu ái, người bị thờ ơ khi vận động bầu cử trên các phương tiện truyền thông. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử tới đây.
Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên, Luật Bầu cử nghiêm cấm các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Bên cạnh đó, nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên phải xếp theo thứ tự A, B, C… Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Để ngày bầu cử 22/5 tới đây mang lại hiệu quả, thực sự là ngày hội của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp sẽ giám sát chặt chẽ các quy trình thực hiện. Đồng thời các tầng lớp nhân dân cũng cần tham gia giám sát, có như vậy mới bảo đảm tính khách quan, công bằng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối trong quá trình bầu cử.
- Điểm mới nhất trong lần bầu cử này là quy định người tạm giữ, tạm giam khi chưa bị kết án vẫn được tham gia bầu cử. Đây cũng là vấn đề được Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn giám sát bầu cử đề nghị các địa phương phải đặc biệt lưu ý.
- Đến nay, Ủy ban Bầu cử 63 tỉnh, thành phố đã có tổng cộng 184 ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 1.096 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 6.721 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 79.988 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và có tổng cộng 91.221 tổ bầu cử.