> Kết thúc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Đọng lại gì?
> Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ
Suốt cuộc tái hồi này, hai nhân vật tỏ ra mặn nồng nhưng khán giả như tôi chờ mãi mà không thấy Minh hỏi thăm một câu về cái chân của Nhâm dù cô cứ cà nhắc đi lại trước mặt anh. Khi chia tay ở chiến trường, cô đã bị thương đâu? Tinh tế chẳng bao giờ thừa và trong nghệ thuật, nó là tất yếu! Trong khi khai thác tình huống éo le, đạo diễn và diễn viên đã bỏ quên những chi tiết “người” nhất.
Trước đó, Nhâm gặp lại Thế Anh - đồng đội cũ. Thế Anh thì có hỏi “vấn đề chân” và Nhâm giải thích: “Bị thương trong chiến tranh, anh ạ!”. Ôi trời, lẽ ra nên nói rõ bị thương ở mặt trận nào, chứ Thế Anh cũng từ chiến trường ra và có mấy nhân vật đeo ba lô mà lại bị thương trong hòa bình đâu!
Trong một cảnh tình tự, Nhâm hỏi “Bao giờ mới hết cảnh đạn bom hả anh”. Minh: “Khi nào hòa bình, đến ngày chiến thắng em ạ”.
Nếu kịch bản gốc có những lời thoại như ở trên kia, có thể phăng bớt hoặc sửa chữa mà không ảnh hưởng gì đến tinh thần vở kịch. So với tiết mục cùng tên của đoàn Quân đội, đoàn Huế dễ chịu hơn nhưng lại bị những tiểu tiết làm cho phí đi.
Một số nghệ sĩ tên tuổi cho rằng làm mới kịch Lưu Quang Vũ sẽ làm mất hương phấn, hồn cốt của nó. Vậy phải lưu giữ cả sạn lớn sạn nhỏ? Người cùng thời kể chính Lưu Quang Vũ từng thốt “nhiều khi chưa xong đoạn kết cái này đã phải bập vào cái khác” (đáp ứng đặt hàng của các đoàn), khó tránh khỏi thô vụng dễ dãi. Còn giữ gì bỏ gì của Lưu Quang Vũ là cả một nghệ thuật, vấn đề văn hóa.
2/Nghe một số nhà chuyên môn xưng tụng hết lời “Ngọc Hân công chúa”, tôi hỏi, các anh chị đã xem “Ngọc Hân công chúa” cũng của Chèo Hà Nội do NSND Dương Ngọc Đức dựng, hoặc “Tâm sự Ngọc Hân” kịch bản của Lê Duy Hạnh chưa? Xem Xuân Hanh - Lâm Bằng đóng Nguyễn Huệ- Ngọc Hân chưa?
Xuân Hanh hơi láu lỉnh so với Nguyễn Huệ nhưng anh không mắc tật đài từ khuếch đại. NSƯT Quốc Chiêm - vừa gặp lại khán giả trong vai hoàng tử Pơ-liêm, cũng đồng tình rằng một số diễn viên chèo bây giờ có khuynh hướng hát và thoại quá to, xa lạ với đặc trưng của chèo. Khi xưa, Quốc Chiêm lung lạc được cả khán giả Sài Gòn bởi nhiều phẩm chất trong đó phải kể phong thái đĩnh đạc, giọng nói ngọt ngào, lên bổng xuống trầm hợp lý cao độ.
Nhiều diễn viên vừa xuất hiện, nói nghe giật cả mình! Xem “Điều không thể mất” của Kịch Quân đội, NSƯT Thu Hà (“Bà tỷ phú về thăm quê”) phát biểu: “Diễn viên nói phải như rót vào tai người ta, cần nói to mới nói to. Nói nhỏ nhưng khiến gai cả người mới là diễn. Khán giả ngồi phía dưới không cần nhìn lên cũng biết người nói đang đứng góc trái hay góc phải sân khấu. Đằng này ai cũng tranh nhau quát tướng lên thành ra không biết người đang nói đứng ở đâu”.
Không chỉ diễn viên mà người Hà Nội hình như ngày càng khó nói nhỏ, nói thầm, khó làm chủ đài từ của mình. Oang oang như thể giữa cánh đồng, tự nhiên như trong phòng ngủ. Nhà văn Lê Minh Khuê kể “mình và con gái đi xe buýt ngồi cách nhau vài hàng ghế, mình gọi tên nó rất nhỏ, đủ nghe thế mà vẫn bị nó nhăn nhó: Mẹ đừng có gọi tên con ở chỗ đông người được không”.
3/Nghe nói đến giải Oscar, Quả cầu vàng cũng có vận động hành lang. Còn mỗi kỳ liên hoan, hội diễn ở Việt Nam, thôi thì đủ điều ong tiếng ve. Lẽ ra Liên hoan này chỉ là dịp tưởng niệm tác giả bằng tác phẩm, cuối cùng BTC lại quyết định có giải, đi đến một kết quả là vở khen hết lời (Ngọc Hân công chúa) thì không dám tôn vinh. Phân nửa số giải vàng cũng thuộc diện khó hiểu. Có người chỉ nhoáng nhoàng xuất hiện, nói vài câu nhạt nhẽo trong lúc khám bệnh hoặc có nhân vật nữ tuổi trung niên rồi nhưng cứ khóc tu tu như trẻ con trên sân khấu, cũng ẵm bạc. Một vở như “Ai là thủ phạm”, kém nhất hội diễn nhưng vàng bạc thu về cả đống!
Cho nên, Thành Lộc, một nghệ sĩ ai cũng thừa nhận là lớn, mới đây lên truyền hình tâm sự rằng nếu có kiếp sau, anh từ chối làm người bởi làm người khó quá, làm nghệ sĩ khó quá. Nào ganh đua vai chính vai phụ, huy chương huy chiếc. Nghệ sĩ có thể không ganh đua nhau đến thế, nhưng luôn luôn, những thông tin kiểu rỉ tai đã góp phần tạo nên bầu không khí đó, không chỉ ở lĩnh vực sân khấu mà thôi.