Buông lỏng quản lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư Trưởng thành phố cho biết, sân chơi và vườn hoa tại khu dân cư ở các đô thị là loại hình chức năng quan trọng cho cuộc sống người dân, nhất là trẻ em và người già. Theo ông Nghiêm, nguyên nhân tại Hà Nội và một số thành phố lớn thiếu sân chơi trẻ em là do tốc độ phát triển quá nhanh, kéo theo đó là dân số tăng nhanh khiến tỷ lệ cây xanh công cộng/đầu người thấp hơn so với nhiều nước, kéo theo đó, sân chơi, vườn hoa cũng thiếu thốn.
“Hiện, có tình trạng bất cập trong công tác quản lý so với quy hoạch. Trong quá trình xây dựng, các khu đô thị, khu dân cư, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì thế sân chơi biến thành nhà hàng như ở khu Trung Hòa Nhân Chính hay một số khu vực khác ở Hà Nội”.
TS Đào Ngọc Nghiêm
Nguyên nhân thứ hai là việc khai thác, sử dụng công viên, vườn hoa thiếu giám sát, quản lý buông lỏng. Tại Hà Nội, có nhiều công viên, vườn hoa lâu đời cũng như mới xây dựng, bị lấn chiếm, đôi khi còn vì mục đích kinh doanh. TS Nghiêm cũng cho rằng, trong nội đô cũng có nhiều khu đất có thể chuyển sang công viên, vườn hoa nhưng do thiếu chính sách đồng bộ, thiếu quan tâm thích đáng của các cấp chính quyền nên đã chuyển sang mục đích khác, không chú trọng vào việc tạo ra sân chơi.
Cũng theo TS Đào Ngọc Nghiêm, bên cạnh các nguyên nhân từ phía chính quyền, người dân cũng chưa quan tâm thực sự để tạo nên chủ thể quản lý sân chơi như ở các nước. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tham gia vào việc này. “Hiện, có tình trạng bất cập trong công tác quản lý so với quy hoạch. Trong quá trình xây dựng, nhất là các khu đô thị, khu dân cư, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì thế sân chơi biến thành nhà hàng như ở một số khu đô thị mới”, TS Nghiêm nói.
Chưa nhận thức đúng về khu vui chơi cho trẻ
Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của các cấp lãnh đạo về vấn đề này. “Nhiều lãnh đạo vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của các khu vui chơi đối với trẻ em. Từ việc không nhận thức được dẫn đến việc không thực hiện đúng các quy hoạch, công trình mà các kiến trúc sư đưa ra”, vị lãnh đạo này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH này vì nhận thức chưa cao nên các khu vui chơi giải trí tại thành phố thường được thay thế bằng các điểm vui chơi của người lớn (nhà hàng, quán bia, quán karaoke, cà phê…). “Có người còn nói thẳng, các nhà hàng, quán bia còn sinh ra tiền, còn các khu vui chơi cho trẻ em thì không giúp ích gì cả. Đây là một nhận thức hết sức sai lầm, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ Việt Nam”, vị lãnh đạo nói.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em là vấn đề không mới, được đặt ra hàng chục năm nay nhưng chưa giải quyết được. Thực trạng, khuyến nghị có rất nhiều, nhưng thực tế tiếng nói của các nhà khoa học vẫn chưa đến được với các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03 (năm 2000), trong đó yêu cầu tất cả các địa phương khi xây dựng các khu đô thị đều phải dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi giải trí. Nhưng từ đó đến nay, không địa phương nào thực hiện, cũng không có vị lãnh đạo tỉnh, thành nào bị xử lý về việc này.
(Còn nữa)