Sân bay Long Thành có thể đội vốn, khó hoàn thành tiến độ

TPO - Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sân bay Long Thành có thể đội vốn và khó hoàn thành tiến độ.

Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 4,779 tỷ USD, tương đương 111.689  tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa.

Do đó, ông Thanh đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư dự án. “Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, hội đồng thẩm định sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho biết, hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục đầu tư. Theo đề nghị của Chính phủ, hạng mục 1 giao Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị, để bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Thanh cũng dẫn Nghị quyết 94 của Quốc hội cho phép dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (VATM) và doanh nghiệp do Nhà nước chi phối (ACV) thực hiện. Trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.

“Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng lưu ý, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do ACV lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là ACV hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi.

Đặc biệt, theo ông Thanh,  nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành năm 2025 vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Ngoài ra, qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi. Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.

“Tính đến tháng 08/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%). Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua”, ông Thanh nói thêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.