Sách trắng ngoại giao lần này được Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop công bố. Đây là lần thứ 3 Úc công bố Sách trắng ngoại giao. “Để ủng hộ sự cân bằng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương phục vụ những lợi ích của chúng ta và thúc đẩy một khu vực mở, bao trùm và dựa trên quy tắc, Úc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nền dân chủ lớn ở khu vực theo cách thức song phương hoặc theo từng nhóm nhỏ”, Sách trắng viết. Tài liệu này cho biết Úc sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
“Liên minh giữa chúng ta với Mỹ là trung tâm của cách tiếp cận của Úc đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngày nay, Trung Quốc đang thách thức vị trí của Mỹ”, Sách trắng viết. Phát biểu trước các phóng viên tại Canberra, Thủ tướng Turnbull nói: “Trước đây, chúng ta có thể mặc định an toàn rằng thế giới hoạt động theo cách phù hợp với Úc. Giờ đây, quyền lực đang dịch chuyển và các quy tắc cũng như thể chế đang bị thách thức”.
“Chúng ta đang được hưởng sự thịnh vượng và cơ hội chưa từng có, nhưng trật tự tự do, dựa trên luật lệ để tạo nên những điều đó đang chịu sức ép lớn hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi trật tự đó được tạo ra trong những năm 1940”, ông Turnbull nói.
Theo giới phân tích, cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng trong chuyến thăm châu Á vừa qua mang hàm ý điều chỉnh trọng tâm của khu vực từ Trung Quốc - nhân tố chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - sang Ấn Độ và Ấn Độ Dương.
Ông Liu Qing, trưởng khoa châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng, việc đặt trọng tâm chiến lược mới vào Ấn Độ - Thái Bình Dương thể hiện cách tiếp cận mâu thuẫn với Trung Quốc. “Một mặt, tài liệu có những đánh giá tích cực về quan hệ Úc - Trung Quốc và tầm quan trọng của mối quan hệ này. Tuy nhiên, nó cũng đặt trọng tâm vào Ấn Độ - Thái Bình Dương, khiến Trung Quốc không hài lòng. Những đối tác trong đó không bao gồm Trung Quốc. Điều đó ngụ ý rằng Úc muốn loại trừ Trung Quốc”, báo Úc Financial Review dẫn lời ông Liu.
Ông Xu Liping, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng, việc kêu gọi Mỹ đóng vai trò mạnh hơn ở khu vực phản ánh những thay đổi toàn cầu. “Chính sách Mỹ là trên hết mà chính quyền Trump đang theo đuổi làm suy yếu quan hệ đồng minh Mỹ - Úc và khiến Úc lo ngại. Và khi Bắc Kinh tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế, điều khôn ngoan với Úc là chấp nhận một chiến lược linh hoạt hơn trong xử lý quan hệ với Trung Quốc”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Xu.
Một cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila đầu tháng này làm tăng khả năng hình thành một khối để đối phó sự mở rộng chiến lược của Trung Quốc.
Quan ngại về tình hình biển Đông
Sách trắng ngoại giao Úc viết rằng, Úc “đặc biệt lo ngại trước tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ của các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông”, nơi đang là khu vực tranh chấp giữa 5 nước 6 bên. “Úc phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo và các thực thể tranh chấp trên biển Đông cho mục đích quân sự. Úc quan ngại về nguy cơ sử dụng vũ lực hoặc ép buộc trên biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”, Sách trắng viết. Tài liệu này khẳng định Úc sẽ tiếp tục coi hợp tác với Trung Quốc là một ưu tiên, nhưng kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ trách nhiệm ủng hộ an ninh khu vực và toàn cầu.
Phản ứng trước Sách trắng ngoại giao Úc, Trung Quốc nói rằng, nhận xét về biển Đông trong tài liệu này là “vô trách nhiệm” và kêu gọi Úc tránh xa khỏi tranh chấp. “Úc không liên quan trực tiếp. Họ nhiều lần nói không đứng về bên nào. Chúng tôi mong họ dừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua tuyên bố.