Sách giáo khoa mới bỏ nội dung đánh đố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2022-2023 sẽ là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Theo các tác giả, sách giáo khoa (SGK) mới đã giảm tải, bỏ những bài khó, lắt léo mang tính đánh đố.

Nhiều điểm mới

Mới đây, Bộ GD&ĐT phê duyệt SGK mới lớp 3, lớp 7, lớp 10 của nhiều nhà xuất bản để áp dụng cho năm học 2022-2023. Đây là năm thứ 3 thực hiện chương trình GDPT mới, đồng nghĩa với năm thứ 3 xã hội hoá SGK.

Thời điểm này, các địa phương đang chuẩn bị lựa chọn SGK, sau đó các nhà xuất bản sẽ tập huấn và đưa sách về tay học sinh trước khai giảng năm học mới.

Sách giáo khoa mới bỏ nội dung đánh đố ảnh 1
Bản mẫu SGK mới áp dụng cho năm học 2022-2023. Ảnh: Quỳnh Anh

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên SGK Toán, Bộ sách Cánh Diều, khẳng định, tổng thể chương trình GDPT quốc gia môn Toán đã giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện hành. Những chỗ lắt léo, lâu nay thách đố học trò để ào ạt luyện thi đều được gạt bỏ hết.

Ông ví dụ: “Trong chương trình SGK lớp 12 hiện hành, có phần toán Tích phân rất khó nhằn, có thể nói là kinh hoàng đối với học sinh. Giáo viên dạy học sinh kỹ thuật tính tích phân khó đến mức vào ĐH sinh viên cũng chỉ học đến thế. Quá trình ra đề thi, luyện thi xuất hiện những câu dạng tích phân mà đến GS như tôi cũng không giải được nếu không mở sách ra xem đổi biến. Như vậy làm sao trong phòng thi có 90 phút lại 50 câu thí sinh lại có thể làm? Trong SGK chương trình GDPT mới, phần tích phân sẽ không bỏ hoàn toàn một cách cơ học, thay vào đó chỉ giới thiệu định nghĩa, ý nghĩa của nó”.

Đối với lớp 10, môn Toán sẽ giảm 30% thời lượng. Cụ thể, học sinh sẽ học 3 tiết Toán/tuần thay vì 4,5-5 tiết như hiện nay.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, cho biết, điểm mới của môn Ngữ văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, SGK chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại.

Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Đồng thời, văn phong rõ ràng, diễn đạt trung thành, bám sát các hoạt động thực tiễn, đồng thời trang bị cho các em văn hóa phổ thông.

“Thầy cô dạy làm sao học sinh đọc văn bản phải hiểu, phải viết được, diễn đạt trung thành ý nghĩ của cá nhân, văn phong trong sáng, rõ ràng, áp dụng được nhiều kiến thức vào cuộc sống. Đổi mới phải bám sát cuộc sống. Chúng tôi quán triệt không cung cấp văn mẫu, chỉ cung cấp ví dụ”, PGS Thống nói.

Còn bất cập trong lựa chọn SGK

Các tác giả biên soạn SGK mới cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong quá trình biên soạn SGK, đều thực nghiệm ở trường phổ thông, ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm đó. Phải thực nghiệm ở nhiều vùng miền khác nhau từ đồng bằng, miền núi để lấy ý kiến giáo viên đánh giá và có những điều chỉnh.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, khi thực nghiệm SGK mới, không chỉ thực nghiệm các bài học mới mà cả cách dạy mới. Ví dụ, cùng một tác phẩm, nếu dạy theo truyền thụ nội dung, kiến thức sẽ khác với dạy để hình thành, phát triển năng lực. Hay như ở lớp 7 có phần truyện khoa học viễn tưởng rất mới, cần phải thực nghiệm xem cách dạy như thế nào, đổi mới ra sao trong quá trình dạy.

Về lựa chọn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT 2018 nói rằng, từ năm ngoái, việc chọn sách do UBND thông qua hội đồng đã khó khăn hơn vì quyết định phụ thuộc vào một số ban ngành.

“Hội đồng thẩm định có thể phớt lờ ý kiến giáo viên đánh giá SGK. Nhiều tỉnh thành thực hiện duy nhất 1 bộ SGK, 1 NXB duy nhất cho thấy bất cập đó. Nếu không kịp thời điều chỉnh những khó khăn như hiện nay, tương lai sẽ quay lại duy nhất 1 SGK”, GS Thuyết nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết, về chọn SGK thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, tức UBND phê duyệt việc chọn sách. Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc triển khai các bước chọn sách vẫn tôn trọng ý kiến của những cơ sở giáo dục, các nhà giáo. Cụ thể, phải tổng hợp ý kiến từ trường, Phòng và Sở GD&ĐT, đặc biệt là vai trò của Hội đồng lựa chọn sách là những kênh, cơ sở để UBND tỉnh ra quyết định lựa chọn SGK.

MỚI - NÓNG